A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023: Kiến tạo chính sách nhằm tăng cường năng lực nội sinh cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Ngày 19/9/2023 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội thường niên lần thứ 3 sẽ chính thức khai mạc. Chia sẻ trước thềm Diễn đàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, với những diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh 9 tháng đầu năm, việc tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng sẽ là vấn đề đặt ra với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để hoạch định chính sách sát thực tiễn hơn, tạo tiền đề cho năm 2024 và giai đoạn tiếp theo...

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội thường niên lần thứ 3 do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trước thềm Diễn đàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết với những diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh 9 tháng đầu năm, việc tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng sẽ là vấn đề đặt ra với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để hoạch định chính sách sát thực tiễn hơn, tạo tiền đề cho năm 2024 và giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam đã qua 2 kỳ tổ chức, thu hút sự quan tâm, tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý uy tín trong và ngoài nước bàn thảo về những vấn đề đặt ra với nền kinh tế. Qua 2 kỳ tổ chức, theo Chủ nhiệm có những kết quả nào đã được chuyển hóa thành chính sách, giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề trong nền kinh tế?

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Như chúng ta đã biết, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội. Thành công của Diễn đàn Kinh tế năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, cung cấp các thông tin bổ ích, định hướng đúng, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tôi xin đề cập một chút đến cả năm 2021, trên cơ sở kết quả của Diễn đàn Kinh tế 2021, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nhận diện và kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng với các Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo nên động lực, niềm tin đúng lúc góp phần phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022.

Với năm 2022, tiếp nối những thành công của Diễn đàn năm 2021, nhiều gợi ý chính sách tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội 2022 đã được nghiên cứu chọn lọc kịp thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách; đặc biệt là Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV về Kỳ họp thứ 4 và một số NQ khác, trong đó lấy trọng tâm xuyên suốt năm 2023 hướng tới “củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế”, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố đầu tiên, tiên quyết, là “chìa khóa” quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của người dân. Đây cũng chính là thông điệp chủ đạo của Diễn đàn năm 2022.

Với Diễn đàn năm 2023, Ban Tổ chức đã nghiên cứu, lựa chọn các nội dung trọng tâm trình bày tại Diễn đàn. Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, cũng giống như các Diễn đàn các năm trước, nhiều giải pháp hay, đề xuất chất lượng và gợi ý chính sách đúng và trúng tại Diễn đàn năm 2023 sẽ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, tiếp nối những kết quả đạt được của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, những vấn đề được lựa chọn thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ giúp ích gì cho quá trình đánh giá toàn diện nền kinh tế trong 09 tháng đầu năm 2023 và dự báo cả năm 2023.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Trước tiên, tôi xin đánh giá về nền kinh tế nước ta sau 02 năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 đã vực dậy mạnh mẽ nhờ kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai quyết liệt, có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn có sự tăng trưởng; năm 2021 mặc dù tốc độ tăng GDP chỉ đạt 2,56% nhưng vẫn được thế giới đánh giá là tích cực; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%.

Về năm 2023, tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam từ đầu năm, những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 3,1%, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm; sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá; thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động. Một số giải pháp được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được quan tâm thực hiện…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, khó khăn thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng chung của toàn cầu cũng như các giải pháp hữu hiệu khắc phục những bất cập nội tại của nền kinh tế. Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong nước sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm; mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%; cũng như Kế hoạch của cả nhiệm kỳ 2021-2025 cũng cần sự phấn đấu lớn.

Cần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tăng cường năng lực nội sinh  (Ảnh minh họa)

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, chúng ta cần tiếp tục tập trung chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, kích cầu tiêu dùng nội địa; quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đầu tàu sản xuất công nghiệp khác của cả nước như Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, thủ tục hành chính trên các lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đánh giá đúng thực trạng, tình hình doanh nghiệp từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc. Thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, đất đai, xây dựng, bất động sản…; góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng. Nhanh chóng xác định và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng, bảo đảm an sinh xã hội…

 

Nôi dung tập trung trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn với nhiều nhóm nội dung, Từ đó, Quốc hội sẽ có đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023; nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; sau đó là phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách, với mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Kết quả của Diễn đàn các năm trước đã là minh chứng, các ý kiến trao đổi, tham luận, các đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, nhiều giá trị, làm căn cứ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp. Tăng cường hơn nữa năng lực về hoàn thiện thể chế; công tác giám sát tổ chức thực thi các chính sách để bảo đảm công khai, minh bạch, trực tiếp đi vào đời sống của người dân. Trước mắt tới đây là nhằm phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, tại Diễn đàn lần này, những trọng tâm ưu tiên chính sách nào trong điều hành kinh tế vĩ mô sẽ được đưa ra để tận dụng cơ hội phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ?

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Như tôi đã đề cập, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn. Hiện sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca. Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào. Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay.... Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài. 

 Cần sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài;  phát huy năng lực nội sinh, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững ( ảnh minh họa)

Đứng trước bối cảnh đó đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; tìm kiếm các giải pháp không chỉ là tăng cường, phát huy năng lực nội sinh, mà còn kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp đất nước, nền kinh tế ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Điều đó cho thấy chúng ta cần có chính sách tổng thể để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững thời điểm này là phù hợp và tôi nghĩ là rất cần thiết

Tôi nghĩ rằng, qua những trao đổi tại diễn đàn Kinh tế xã hội 2023 lần này, Uỷ ban Kinh tế sẽ có thêm những góc nhìn toàn diện hơn để tham mưu cho Quốc hội những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường, phát huy “nội lực” của nền kinh tế, nội lực của doanh nghiệp, đi cùng với đó là vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt.

Phóng viên: Xin cảm ơn Chủ nhiệm!

Hải Yến

Tác giả: Hải Yến