A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2022: THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ 2 VỀ THÚC ĐẨY THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

quochoi.vn - Ngay sau lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, sáng nay 18/9, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì Chuyên đề 02: "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững". Phiên thảo luận chuyên đề 2 có sự tham dự của GS.TS Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cùng dự phiên thảo luận chuyên đề còn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vũ Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan…

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì phiên thảo luận.

Thảo luận chuyên đề 02: "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững".

Theo chương trình, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình tham luận: “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội – Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới”.

Tiếp đó, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam chia sẻ về chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội có bài trình bày về “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên thảo luận chuyên đề 2

09h06: PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình tham luận: “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội – Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới”

Trình bày tham luận về Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội – Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Trong bối cảnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua. Các chính sách này đã có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào nhóm nhiệm vụ liên quan tới Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho biết giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; (ii) Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; (iii) Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; (iv) Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội 

Sự phối hợp đồng bộ của các giải pháp nêu trên nhìn chung đã đem đến các kết quả khả quan:  Các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19, được cập nhật theo diễn biến của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Qui mô gói hỗ trợ đã được mở rộng hơn nhiều so với năm 2020 và 2022, theo dự kiến qui mô gói hỗ trợ năm 2022 là 4,05% GDP.

Các chính sách đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng, phối hợp với nhau tốt, không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, sự an toàn tín dụng của hệ thống ngân hàng, các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nhưng vẫn duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam được dự báo có thể tăng trưởng 7,5% trong năm 2022, tăng mạnh so với 2,6% năm 2021. Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt: CPI tính chung 8 tháng năm 2022 tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá hối hối đoái được giữ ổn định (biến động trong phạm vi cho phép với biên độ +/- 2%).

Tính đến ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp. Thị trường lao động dần phục hồi tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì phiên thảo luận.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho biết việc triển khai Chương trình còn một số tồn tại khó khăn như  chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập.“Doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức, còn doanh nghiệp nhỏ lại tiếp cận thông tin qua kênh phi chính thức. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 - 6 tháng. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có doanh nghiệp du lịch. 

Ngoài ra, các văn bản hưởng dẫn chưa kịp thời. Đơn cử, đối với chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỷ đồng. Song, 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. 

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã thực sự kích thích nền kinh tế phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Dự kiến, việc triển khai thực hiện Chương trình sẽ đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng GDP của năm 2022. Ước tính cả năm nay tăng trưởng đạt 7,5%. Muốn vậy, cần tổng hợp, đánh giá kỹ các gói hỗ trợ. 

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nêu rõ, để thúc đẩy các gói hỗ trợ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như nghiệp logistics, công nghiệp hỗ trợ…

Về dài hạn, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đề xuất nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể.

Về một số chính sách hỗ trợ cụ thể, theo vị chuyên gia này, cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần bóc tách vấn đề này.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thnh tra. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ. 

Trên thực tế, dù các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng song chưa đáp ứng kỳ vọng. Chúng tôi hiểu rằng điều này vì mục tiêu lạm phát 4%, song Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh room tín dụng, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đề nghị.

9h18: Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh: Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Đóng góp ý kiến từ phía đại diện doanh nghiệp về vấn đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội trên toàn thế giới trong năm 2020 và 2021. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua; thương mại toàn cầu suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động sản xuất và lưu thông bị đình trệ…

Ở trong nước, Việt Nam không nằm ngoài tác động chung của Đại dịch Covid như các quốc gia khác - đại dịch đã tác động tiêu cực, sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam với sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sang các thị trường trường truyền thống.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam

Bà Hà Thu Thanh cho biết, sau 2 năm ứng phó với Đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay giải thể thì phần lớn do khó khăn về tài chính, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, Các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch thì lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động. Việc thiếu hụt kỹ năng đã và đang cũng là một trở ngại lớn đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, cùng với đó là sự cạnh tranh về lao động lành nghề, lao động chất lượng cao đi kèm với quá trình chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam ngày càng khốc liệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và không ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từ địa phương đến Trung ương. Điều này cũng thể hiện cho sự quan tâm và cùng đồng hành, chia sẻ giá trị và trách nhiệm của các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đa cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

TS. Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan trình bày tham luận

TS.Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội nêu rõ, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là sự phục hồi chậm chạp của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tác động đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TS. Lâm Văn Đoan cho rằng, xã hội hiện nay cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn.

Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp trong lực lượng lao động, đa số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022. Đồng thời cũng cần quan tâm đến việc tăng cường hiệu quả triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 , hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là các nhóm nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn.

Các đại biểu tại phiên thảo luận chuyên đề 2

Trên cơ sở những khuyến nghị, tư vấn của Tổ chức lao động quốc tế, đối với Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026, công tác xây dựng pháp luật cần quan tâm xây dựng khung thể chế thúc đẩy việc làm bền vững, cải cách/đổi mới hệ thống chính sách an sinh xã hội thông qua sửa đổi, bổ sung các Luật: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Việc làm, An toàn, vệ sinh lao động; nghiên cứu, rà soát hoàn thiện pháp luật về tố tụng lao động; bảo trợ xã hội; chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, người khuyết tật.

Bên cạnh đó, từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng cần tiếp tục tập trung phát huy những lĩnh vực kết quả đã có nhiều tiến bộ, đồng thời cần giải quyết các vấn đề tồn tại, thách thức như tỷ lệ việc làm phi chính thức còn ở mức cao, tỷ lệ lao động chưa qua bất cứ hình thức đào tạo nghề nào còn cao, trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài/người lao động di cư trong nước còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng còn hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu bước vào phiên thảo luận tìm giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Phiên thảo luận bắt đầu dưới sự điều hành của Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Bùi Văn Huyền.

Tham dự thảo luận có: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà; Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam Jonathan Picus.

(Cổng thông tin điện tử Quốc hội)