A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gợi ý về 05 động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế từ "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023"

Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, cùng với việc cần tập trung phát huy tối đa “nội lực", tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hộ Việt Nam năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng cần tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng; đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.

 

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, cơ hội và thách thức nửa nhiệm kỳ và năm 2023, các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững. Các đại biểu cũng khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.

Thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu bền vững

Theo đó, để vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Đây là những động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, tuy nhiên đến nay đang có dấu hiệu suy giảm hoặc chậm lại.

Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, các dự án FDI có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, tác động mạnh tới xuất khẩu, việc làm, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước. Cùng với giải quyết vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư lớn hoặc doanh thu cao, doanh nghiệp đầu tư dự án có quy mô vốn lớn hoặc doanh thu cao sản xuất sản phẩm công nghệ cao và doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới xuất khẩu bền vững, cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu. Khai thác tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư. Có ý kiến đề xuất chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng mô hình trung tâm bán hàng giảm giá (factory outlet) tại một số địa điểm du lịch, cửa hàng miễn thuế trong trung tâm thành phố để thu hút khách du lịch, tăng chi tiêu của khách du lịch khi đến Việt Nam.

Gợi ý về 05 động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 05 động lực chủ yếu. Một là, thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế. Hai là, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa. Ba là, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh. Bốn là, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Năm là, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Các đại biểu cho rằng cần vận hành hoạt động hiệu quả các Hội đồng điều phối phát triển vùng, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đối với các tỉnh, thành phố. Vận hành hiệu quả Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, phát huy hiệu quả hơn vai trò của các đô thị lớn, hình thành các cực tăng trưởng, thúc đẩy tăng năng suất. Cần có thêm các chính sách nhằm quan tâm thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam là động lực và có tính lan tỏa cao). Cần khẩn trương triển khai xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân, áp dụng những công nghệ và ý tưởng mới, tạo động lực mới. Cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Cần đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân để có đề xuất cập nhật, điều chỉnh phù hợp bối cảnh mới hiện nay. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn (đặc biệt là khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn) và lao động.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các quy chuẩn không phù hợp (phòng cháy chữa cháy, chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ...), về vấn đề cung ứng điện và đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy... Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ pháp lý...

Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết, tạo thế “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ linh hoạt, chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, mở đường thuộc khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế. 

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Thúc đẩy chuyển đổi số cần xây dựng trên 03 trụ cột: Một là, Chính phủ số với việc kiến tạo, cải cách và hoàn thiện thể chế để cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, tiến tới giảm thiểu, tăng cường hiệu quả, hiệu lực các dịch vụ công. Hai là, kinh tế số, thông qua số hóa và ứng dụng số hóa kết hợp với nền tảng số, hình thành phương thức kinh tế chia sẻ giúp tối ưu hóa hiệu quả và hiệu suất hoạt động của nền kinh tế. Ba là, xã hội số với việc hình thành “công dân số” thông qua việc kiến tạo dữ liệu cá nhân, định danh, xác định danh tính, cho phép các công dân kết nối thành một xã hội mạng lưới, từ đó hình thành nên những nền tảng thị trường mới. Thêm vào đó, cần chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ là phương thức quan trọng đối với việc củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ ở nước ta. Thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện nay để làm nền tảng cho sự phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại và tiến tới làm chủ công nghệ lõi. Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cần tăng cường xây dựng khung khổ thể chế để nuôi dưỡng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo phát triển, vươn tầm tới khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu đề cập nhiều đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững. Cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, dành nguồn lực ngân sách thoả đáng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh; phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường; hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng.

Các đại biểu đề nghị tăng quy mô đầu tư công cho những dự án theo hướng chuyển đổi xanh; hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện khung pháp lý trong đầu tư và sản xuất năng lượng tái tạo, đầu tư các cơ sở hạ tầng (cảng biển, đô thị tại các thành phố lớn,..) theo hướng chuyển đổi xanh.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp), bảo hiểm xanh, tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh thông qua việc ban hành cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tín dụng xanh nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung và huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.

Đổi mới tư duy về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Đây là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước. Đối với Việt Nam, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước.

Để đẩy mạnh cải cách thể chế, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Cải cách thể chế cần bảo đảm tính đồng bộ (giữa trung ương và địa phương, giữa trong nước và quốc tế, giữa ban hành và tổ chức thực thi, giữa các ngành, lĩnh vực,...), đây là yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng thể chế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đấu thầu, cơ chế đặc thù cho một số địa phương động lực, nghiên cứu, đổi mới chính sách ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, chuyển đổi phương thức sản xuất sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách.

Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi để kết nối các khu vực kinh tế, các chủ thể kinh tế gắn kết với nhau, tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển các ngành, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn, hiệu quả cao. Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (bao gồm cả cơ chế thử nghiệm), vừa tận dụng cơ hội, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn, thách thức. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt, là vấn đề dài hạn của cả nền kinh tế.

Cuối cùng là vấn đề nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường và đối tác mới; từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Theo tính toán của WB (2022), việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp tăng thêm 2-3% GDP của Việt Nam mỗi năm. Đại biểu đề xuất cần chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tạo lập không gian phát triển mới đối với các ngành công nghiệp và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tận dụng tốt hơn các FTA để tăng cường kết nối với các đối tác chiến lược cả thượng nguồn và hạ nguồn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, đối tác nhằm kiểm soát rủi ro phụ thuộc vào một vài đối tác, thị trường.

Để nâng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế, Việt Nam cần phát huy nội lực của kinh tế trong nước, xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045), củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ trên cơ sở làm chủ công nghệ hiện đại, công nghệ lõi và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ thị trường trong nước và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả.


Nguồn:Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Sao chép liên kết