Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín dụng chính sách xã hội là cầu nối thiết thực, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội

Tín dụng chính sách xã hội là cầu nối hết sức thiết thực, hiệu quả, đã thực sự đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Để chính sách này tiếp tục đi vào cuộc sống, tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội kiến nghị các cơ quan chức năng theo nhiệm vụ được giao rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, động viên được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật các Tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều.

Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chia sẻ đôi nét về tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội. Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, NHCSXH đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội 

Đó là đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., góp phần thực hiện các chính sách xã hội, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng; tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tín dụng chính sách xã hội là cầu nối thiết thực, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.407 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,5 triệu lao động, trong đó, hỗ trợ hơn 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; giải ngân cho 3.807 lượt doanh nghiệp để trả lương cho 1.230 nghìn lượt lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, số 68/NQ-CP và số 126/NQ-CP...

Ngoài ra, NHCSXH còn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ thực hiện chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội, hỗ trợ mua và xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở xã hội; cho vay hỗ trợ tạo việc làm; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023

Ông Nguyễn Đức Hải phân tích, để đạt được những kết quả này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, phương thức cho vay đặc thù, hiệu quả, phù hợp, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thông qua triển khai tín dụng chính sách xã hội, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.          

Bên cạnh đó, sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, NHCSXH đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Từ những phân tích trên có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội là cầu nối hết sức thiết thực, hiệu quả, đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong đó, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thành công tín dụng chính sách xã hội; đã khai thác và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, góp phần xây dựng tín dụng chính sách xã hội ngày càng sâu rộng và bền vững hơn.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho biết, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH”. Kết quả này đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành và đặc biệt là đông đảo quần chúng ghi nhận, đánh giá cao.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023

Cụ thể: Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện thành công 03 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Xây dựng thành công mô hình tổ chức đặc thù, hiệu quả, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị, điều kiện thực tiễn đất nước, phát huy vai trò quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội...

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam khẳng định, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn cần khắc phục; đề nghị các Bộ, ngành chức năng của Trung ương, các địa phương xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ông Nguyễn Đức Hải kiến nghịQuốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của NHCSXH là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Các cấp ủy đảng, bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.

Các bộ, ban, ngành cơ quan trung ương liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù.

Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Tác giả: Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức