Những tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm đã đạt được kết quả tích cực. Số liệu về sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, cán cân xuất nhập khẩu 8 tháng qua đã cho thấy rõ điều đó. Để duy trì và phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những tháng cuối năm chúng ta cần có giải pháp gì để tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt mức cao nhất có thể?
Để có giải pháp phù hợp cho những tháng cuối năm, trước hết cần thấy rõ được động lực tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới trong thời gian qua. Từ đó xem xét, đánh giá các động lực và khó khăn từ nội tại nền kinh tế trong nước để thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn của Việt Nam.
1. Động lực tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới
Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ucraina ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia; kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, có nước rơi vào suy thoái; thương mại và đầu tư quốc tế giảm; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề ... .
Tuy nhiên, kinh tế của một số quốc gia trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực hơn so với dự báo trước đó, nhiều nền kinh tế không rơi vào tăng trưởng âm. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I, quý II năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số nền kinh tế lần lượt là: Mỹ tăng 1,8% và 2,6%; khu vực châu Âu tăng 1,1% và 0,6%; Trung Quốc tăng 4,5% và 6,3%; Ấn Độ tăng 6,1% và 7,8%; Nhật Bản cả 2 quý cùng tăng 2%; Xin-ga-po tăng 0,4% và 0,5%; Thái Lan tăng 2,6% và 1,8%; In-đô-nê-xi-a tăng 5,0% và 5,2% ... .
Diễn biến kinh tế tích cực đã tạo cơ sở để cải thiện các chỉ số về niềm tin người tiêu dùng và niềm tin kinh doanh. Tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế như Nhật Bản, Mỹ, ... được cải thiện, niềm tin người tiêu dùng liên tục được củng cố trong những tháng gần đây. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện cũng đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2022, phản ánh sự lạc quan mạnh mẽ về các hoạt động kinh doanh trong năm 2023, chỉ số này hiện cũng đang ở mức cao tại nhiều nền kinh tế trên toàn cầu. Chỉ số BCI tháng 8/2023 của một số quốc gia[1] như: Trung Quốc đạt 49,7 điểm, cao hơn 0,6 điểm so với tháng trước; Ấn Độ đạt 132 điểm, cao hơn 6 điểm; Mỹ 47,6 điểm, cao hơn 1,2 điểm; Lúc-xăm-bua 92,8 điểm, cao hơn 12,2 điểm; Cộng hòa Séc 93,9 điểm, cao hơn 2,8 điểm; E-cua-đo 55 điểm, cao hơn 3,7 điểm; Bra-xin 53,2 điểm, cao hơn 2,1 điểm...
Trong khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới những tháng đầu năm, các quốc gia đã dựa vào động lực nào để duy trì tăng trưởng?
Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, khi xảy ra khủng hoảng, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái thì giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là tập trung vào kích cầu tiêu dùng của người dân, tăng cường đầu tư trong đó có khu vực dịch vụ, cắt giảm chi phí trung gian, tăng cường ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động kinh tế.
Trung Quốc[2] là ví dụ điển hình về kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế phục hồi khi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm hơn kỳ vọng trong quý II/2023 do nhu cầu trong nước và quốc tế suy yếu. Để kích thích tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, Trung Quốc tích cực mở rộng nhu cầu trong nước, nâng cao thu nhập của người dân, kích hoạt tiêu dùng, đồng thời đẩy nhanh phát hành trái phiếu địa phương đặc biệt để thu hút đầu tư. Chính phủ sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với ô tô, đồ điện tử và các sản phẩm gia dụng, đồng thời thúc đẩy du lịch.
Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã tạo động lực tích cực cho tiến trình phục hồi nền kinh tế thế giới với cam kết trong năm 2023 là sẽ nỗ lực để duy trì tăng trưởng kinh tế, duy trì giá cả và việc làm ổn định. Theo tập đoàn tài chính Bloomberg (Mỹ), các thị trường du lịch trên thế giới đang có triển vọng phục hồi khi Trung Quốc bắt đầu chi tiêu khoản tiết kiệm 836 triệu USD tích lũy trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới nhận định, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi từ đầu năm 2023 do chính sách tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến, nhờ đó đã thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào các hoạt động liên quan đến dịch vụ. Lĩnh vực bất động sản bắt đầu tăng trưởng trở lại sau suy thoái kéo dài nhờ chính sách hỗ trợ thanh khoản cho phát triển nhà ở và các biện pháp đảm bảo hoàn thành dự án bất động sản trong năm nay.
Tại Mỹ[3], kinh tế không rơi vào suy thoái như dự báo khi GDP quý II/2023 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó quý I tăng 1,8%. Mức tăng trưởng vững chắc trong quý II được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng với sự gia tăng đầu tư cố định phi dân cư, cùng với chi tiêu của Chính phủ và lượng hàng tồn kho. Chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm của Mỹ. Trong quý I/2023, chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2021, khi nền kinh tế đang phục hồi sau các đợt hạn chế phòng dịch Covid-19; quý II/2023 tăng 2,4%. Các chính sách kinh tế của quốc gia này đang thúc đẩy sự bùng nổ đầu tư của khu vực tư nhân, đồng thời là động lực giúp việc làm tăng trưởng kỷ lục[4].
Chính phủ Mỹ đã thực thi một số giải pháp để giải quyết tình trạng bế tắc về trần nợ công, ngoài ra một số cơ quan chức năng đã có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ, nhờ đó giảm bớt rủi ro trước mắt về tình trạng hỗn loạn trong khu vực tài chính. Điều này làm cho thị trường tài chính thế giới khởi sắc hơn và tác động tích cực đến triển vọng kinh tế thế giới năm 2023.
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 của Nhật đạt 2% so với cùng kỳ năm trước[5]. Với việc GDP quý IV/2022 tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, kinh tế Nhật Bản được xác định là đã thoát khỏi tình trạng suy thoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu của quốc gia này là nhờ hoạt động xuất khẩu ô tô và sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Chính phủ Nhật Bản hiện vẫn đang thực hiện các biện pháp trợ cấp cho người dân để đối phó với tình trạng giá cả hàng hóa vẫn ở mức cao nhằm thúc đẩy tiêu dùng của dân cư.
Tại khu vực châu Âu, tăng trưởng GDP quý II/2023 đạt 0,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 1,1% của quý I. Đây là tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ thời kỳ suy thoái 2020-2021 do thu nhập thực tế giảm mạnh và lãi suất tăng cao. Tăng trưởng GDP quý II/2023 so với cùng kỳ năm trước của một số nền kinh tế lớn trong khu vực châu Âu[6] là: Nga tăng 4,9%; Tây Ban Nha tăng 1,8%;
I-ta-li-a tăng 0,4%; Pháp tăng 1%; Vương quốc Anh tăng 0,4%. Giá năng lượng thấp hơn, nguồn cung năng lượng được mở rộng[7], niềm tin kinh doanh được cải thiện và thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ (Tỷ lệ thất nghiệp quý II/2023 của châu Âu là 6,4%, thấp hơn tỷ lệ 6,7% của cùng kỳ năm trước) là động lực chính của tăng trưởng kinh tế châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2023. Với giá năng lượng giảm nhanh, thương mại và dịch vụ được cải thiện hơn sẽ mang lại lợi ích cho hộ gia đình, doanh nghiệp và Chính phủ, góp phần đem lại triển vọng tích cực cho kinh tế khu vực châu Âu.
Các quốc gia ưu tiên giảm lạm phát bền vững, đồng thời đảm bảo ổn định tài chính, dẫn tới lạm phát đã có tín hiệu hạ nhiệt; giá cả nhóm hàng năng lượng, thực phẩm và phân bón đã giảm đáng kể. Nhiều Ngân hàng Trung ương tiếp tục khôi phục sự ổn định về giá và tăng cường giám sát tài chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, tổ chức Y tế thế giới không còn xem dịch Covid-19 là “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu”. Do vậy, chuỗi cung ứng phần lớn đã phục hồi, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã trở lại gần như mức trước đại dịch.
2. Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 khá tích cực khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,14%). Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm, của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33% và đã đóng góp lớn nhất với 78,85%.
Nhìn từ phía cầu, kinh tế Việt Nam trong 8 tháng qua đạt được kết quả tích cực nhờ sự đóng góp của 3 yếu tố: tiêu dùng, đầu tư và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động du lịch tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%.
Trong mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm nay có đóng góp tích cực của bán lẻ hàng hóa, lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành, cụ thể :
+ Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%).
+ Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2023 ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6%.
+ Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2023 ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa cao điểm và các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 ước đạt 1,2 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần.
Đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài được thúc đẩy và duy trì
Trong 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là xu hướng tích cực tiếp đà cho các tháng cuối năm.
Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước[8]. Số dự án cấp mới đạt 1.924 dự án, tăng 69,5%; vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7%, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 13,1 tỷ USD, cao nhất của cùng kỳ các năm 2019-2023.
Xuất siêu đạt mức khá cao. Trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD), góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Trong đó một số mặt hàng xuất siêu: Điện thoại và linh kiện 28,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 6,9 tỷ USD; thủy sản 4 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 2,3 tỷ USD; rau quả 2,2 tỷ USD; dây điện và cáp điện 510 triệu USD; cao su 221 triệu USD.
Nhìn từ phía cung, hoạt động sản xuất duy trì mức tăng trưởng dương ở cả 3 khu vực
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế
Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, năng suất đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng gần 157 nghìn tấn so với vụ hè thu năm trước. Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, trong đó: Số đàn lợn cuối tháng Tám tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước; gia cầm tăng 2,3%; bò tăng 0,5%. Trong 8 tháng năm 2023, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 58,5 triệu cây, tăng 4,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 12,4 triệu m3, tăng 2,9% do một số địa phương có sản lượng khai thác gỗ tăng cao.
Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan, đặc biệt là nuôi tôm do xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu phục hồi tại một số thị trường và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng Tám ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng năm 2023 tăng 3,2%, trong đó tôm tăng 4,1%.
Sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực hơn khi từ tháng Năm trở lại đây đã tăng trưởng dương và tháng sau tăng cao hơn tháng trước[9]. Chỉ số IIP tháng 8/2023 của một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất kim loại tăng 24,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 22,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,8%; dệt tăng 15,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 10,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,3%; sản xuất đồ uống tăng 8,5%; sản xuất thuốc lá tăng 8,1%.
- Vận tải hàng hóa tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các dịp Lễ, Tết. Trong 8 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.497 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 316,9 tỷ tấn.km, tăng 13,4%. Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.467,7 triệu tấn vận chuyển, tăng 15,4% và 200 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 18,8%; vận tải ngoài nước ước đạt 29,3 triệu tấn vận chuyển, tăng 2,3% và 116,9 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 5,1%.
- Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2023 là 103.658 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (89.899 doanh nghiệp).
3. Nhận diện những khó khăn, thách thức
Mặc dù đạt được kết quả khá tích cực nhưng kinh tế nước ta đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.
Một là, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%); trong đó quý II ước tăng 4,14%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 - thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện). Do đó để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 sẽ là thách thức rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro và nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều yếu kém, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Hai là, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do nhu cầu thế giới sụt giảm đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, gỗ… Chỉ số IIP 8 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm trong xuất khẩu giảm như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 5,2%...
Ba là, hoạt động xuất, nhập khẩu sụt giảm và chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10%; nhập khẩu đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2%. Nguyên nhân xuất khẩu giảm chủ yếu là:
(1) Tổng cầu thế giới giảm mạnh do lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhất là tại nhiều thị trường, đối tác chủ lực của Việt Nam (kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ giảm 19,1%; EU giảm 8,3%; ASEAN giảm 8%; Hàn Quốc giảm 7,3%).
(2) Giá các mặt hàng xuất, nhập khẩu giảm (chỉ số giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 0,52%; chỉ số giá nhập khẩu giảm 3,85% so với cùng kỳ năm trước).
(3) Chi phí logistics cao. Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam, năm 2021 chi phí logistics vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa của Việt Nam trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%; năm 2022, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19[10].
Bốn là, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Trong 8 tháng năm 2023, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt 969,6 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. Những khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu do tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế, cụ thể là: (1) khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19; (2) một số hạn chế của môi trường kinh doanh chưa được khắc phục ngay, đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; (3) các vấn đề về tài chính như khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp còn ở mức thấp; (4) chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm; (5) thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lương, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu ...
Năm là, đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam. Tính đến 20/8/2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm đạt 4,53 tỷ USD, là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2020-2023, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm trước.
Những tháng cuối năm 2023 dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, bất định. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gặp nhiều khó khăn, trong đó mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (khoảng 6,5%) là thách thức lớn, khó có thể đạt được nếu không có những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao dù một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả.
4. Yếu tố tích cực đối với tăng trưởng những tháng cuối năm
Một số yếu tố được xác định đóng góp tích vực vào tăng trưởng những tháng cuối năm là:
- Việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ 01/7 năm nay sẽ giúp cho người dân tăng các khoản chi tiêu, tạo nên dư địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm.
- Các chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Lãi suất ngân hàng giảm là tín hiệu tích cực kích cầu tiêu dùng.
- Ngành du lịch - ngành kinh tế có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí... là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
- Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giúp giải phóng nguồn lực, tác động lan tỏa đến các ngành xây dựng, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng …, từ đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
- Tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới liên tục biến chuyển trong thời gian gần đây, nổi bật là việc Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tạm dừng xuất khẩu gạo. Ngoài ra, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng nhưng và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
- Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dự báo quý III/2023 khả quan hơn quý II/2023. Có 72,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (34,3% tốt hơn; 38,3% giữ ổn định). Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.
5. Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023
Duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 8 tháng đầu năm, kinh tế nước ta cần tiếp tục đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy cỗ xe tam mã (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm.
Kích cầu tiêu dùng
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng..., ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.
(1) Để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.
(2) Thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm giảm, nhờ đó doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Đồng thời, chính sách này cũng tác động trở lại giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh do tăng nhu cầu tiêu dùng.
(3) Việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ 1/7 năm nay giúp người dân có thêm khoản thu nhập để tăng chi tiêu, tạo nên dư địa tăng trưởng cho tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm nay.
(4) Đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Kích cầu đầu tư
Thúc đẩy đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
(1) Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
(2) Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ khiến tổng cầu của nền kinh tế tăng lên, nhờ đó sẽ kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn để sản xuất các nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu đầu tư. Giải quyết các vấn đề cốt lõi về giải phóng mặt bằng, xác định mức bồi thường phù hợp với giá trị thực tế; cần xác định chính xác tổng mức đền bù của dự án; tăng cường công tác rà soát, quản lý việc sử dụng đất đai trên địa bàn.
(3) Cần thực hiện tốt hơn việc công khai danh mục đầu tư, thúc đẩy mạnh và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại; cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa, giảm các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, khuyến khích xã hội hóa. Thực hiện chính sách giảm thuế, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa cả doanh nghiệp Nhà nước.
(4) Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia,... để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
(5) Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công - tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững
Dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm do lượng tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua[11].
(1) Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, trong đó có hoạt động công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur…). Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.
(2) Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo; thường xuyên cập nhật và cung cấp rộng rãi thông tin thị trường, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ, tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ…
(3) Cùng với việc giảm thuế, hoãn thuế, Nhà nước cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới. Bên cạnh đó, tận dụng tốt những hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
(4) Triển khai quyết liệt các giải pháp giúp cân bằng cán cân thương mại, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất nội địa, tiến tới thay thế hàng hoá xuất nhập khẩu từ nước ngoài; nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, đặc biệt là định hướng hoạt động xuất khẩu nông sản, thuỷ sản; tăng cường các khâu kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo các quy định và các biện pháp WTO cũng như thông lệ quốc tế cho phép để kiểm soát chất lượng hàng hoá đầu vào, loại bỏ những mặt hàng có chất lượng kém, không phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc xác định các động lực tăng trưởng là quan trọng để có những giải pháp đúng và trúng đưa nền kinh tế nước ta đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể. Kích cầu tiêu dùng, đầu tư và duy trì cân bằng bền vững của cán cân thương mại hàng hóa là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo./.
[1] Cập nhật tại tradingeconomics.com.
[2] Tham khảo tại đường dẫn: https://www.cnbc.com/2023/07/18/china-vows-to-restore-and-expand-consumption-to-boost-growth.html.
[3] Tham khảo tại https://www.reuters.com/article/uk-usa-economy-idUKKBN1EG1S3; https://vneconomy.vn/kinh-te-my-nua-dau-2023-suc-tru-gay-bat-ngo.htm
[4] https://nhandan.vn/trien-vong-tich-cuc-cua-nen-kinh-te-my-post767558.html.
[5] Nguồn: https://tradingeconomics.com/japan/gdp-growth-annual.
[6] Cập nhật số liệu tại tradingeconomics.com.
[7] Theo phân tích của Ember (tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng (phi lợi nhuận và độc lập) của Anh): Trong bối cảnh khủng hoảng kép về thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga và sản lượng điện sụt giảm, các nước châu Âu không sử dụng nhiệt điện than như dự báo mà tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo trong năm 2022. Sản xuất năng lượng mặt trời tăng nhanh nhất, với mức tăng kỷ lục 39 TWh (+24%) vào năm 2022 - gần gấp đôi kỷ lục trước đó - giúp EU tiết kiệm 10 tỷ Euro chi phí khí đốt. Tham khảo tại: ttps://balkangreenenergynews.com/ember-wind-and-solar-generate-more-electricity-than-gas-in-eu/
[8] Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 giảm 19,3%; 4 tháng đầu năm giảm 1,2%; 5 tháng đầu năm giảm 7,3%; 6 tháng đầu năm giảm 4,3%; 7 tháng tăng 4,5%.
[9] Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2023 giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; tháng Tư giảm 2,4%; tháng Năm tăng 0,5%; tháng Sáu tăng 1,7%; tháng Bảy tăng 2,3%; tháng Tám ước tăng 2,6%.
[10] Theo Báo Chính phủ: https://baochinhphu.vn/chi-phi-logistics-thach-thuc-xuat-nhap-khau-102220520195404604.htm#:~:text=(Chinhphu.vn)%20%2D%20N%C4%83m,n%E1%BB%81%20h%C6%A1n%20trong%20n%C4%83m%20nay.
[11] Tham khảo tại đường dẫn: https://kinhtedothi.vn/xuat-khau-se-phuc-hoi.html.