A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô: Giải pháp từ nâng cao năng lực sản xuất quốc gia

Để thực hiện thành công các mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, cần có một cuộc tái cấu trúc toàn diện năng lực sản xuất quốc gia. Những năng lực sản xuất này quyết định Việt Nam sẽ sản xuất hàng hóa gì để có thể định vị vị trí của mình trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, tiêu thụ bao nhiêu nguồn lực như năng lượng, lao động, vật tư đầu vào cho sản xuất và tạo ra được bao nhiêu giá trị gia tăng cho nền kinh tế, giải quyết được bao nhiêu việc làm, có giúp nền kinh tế vĩ mô trở nên ổn định và tăng cường sức chống chịu với các cú sốc hay không.

 

 

PGS.TS Chu Khánh Lân

Học viện Ngân hàng

Tóm tắt

Để tăng cường năng lực tự chủ trước sự gia tăng bất ổn kinh tế và rủi ro địa chính trị, các quốc gia trên thế giới đã đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu và nâng cao năng lực sản xuất quốc gia.Để thực hiện thành công các mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, cần có một cuộc tái cấu trúc toàn diện năng lực sản xuất quốc gia. Những năng lực sản xuất này quyết định Việt Nam sẽ sản xuất hàng hóa gì để có thể định vị vị trí của mình trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, tiêu thụ bao nhiêu nguồn lực như năng lượng, lao động, vật tư đầu vào cho sản xuất và tạo ra được bao nhiêu giá trị gia tăng cho nền kinh tế, giải quyết được bao nhiêu việc làm, có giúp nền kinh tế vĩ mô trở nên ổn định và tăng cường sức chống chịu với các cú sốc hay không. Nghiên cứu về năng lực sản xuất thông qua phân tích danh mục các hàng hóa được sản xuất và xuất khẩu hơn ba thập kỉ vừa qua cho thấy việc lựa chọn các ngành sản xuất phù hợp sẽ giúp quốc gia nâng cao khả năng ứng phó với biến động kinh tế vĩ mô. Trong tiến trình phát triển kinh tế của mình, Việt Nam đã tích lũy thêm được các năng lực sản xuất và góp phần vào việc sản xuất ra danh mục các hàng hóa có mức độ đa dạng cao hơn và hiếm hơn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất hiện tại của Việt nam vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với các quốc gia thu nhập cao và phụ thuộc nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài. Để thực hiện thành công các mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, cần có một cuộc tái cấu trúc toàn diện năng lực sản xuất quốc gia. Những năng lực sản xuất này quyết định Việt Nam sẽ sản xuất hàng hóa gì để có thể định vị vị trí của mình trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, tiêu thụ bao nhiêu nguồn lực như năng lượng, lao động, vật tư đầu vào cho sản xuất và tạo ra được bao nhiêu giá trị gia tăng cho nền kinh tế, giải quyết được bao nhiêu việc làm, có giúp nền kinh tế vĩ mô trở nên ổn định và tăng cường sức chống chịu với các cú sốc hay không. Ngoài ra, chiến lược tái cấu trúc nền sản xuất cần phải tích hợp được xu hướng của sản xuất thế giới trong vài thập kỉ tới bao gồm nội địa hóa thông qua hình thành các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực, đủ khả năng cạnh tranh tầm quốc tế và tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn “xanh” vào sản xuất.

 

 

 

 

I. Biến động kinh tế vĩ mô và vai trò của năng lực sản xuất quốc gia

1. Biến động kinh tế vĩ mô

Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để một quốc gia tăng trưởng kinh tế bền vững. Phân tích sự thành công trong phát triển kinh tế của các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Israel cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kết hợp hiệu quả giữa vai trò của Nhà nước và thị trường, lựa chọn và triển khai các chính sách công nghiệp phù hợp với xu thế toàn cầu, khuyến khích đổi mới sáng tạo và tận dụng được tri thức và các nguồn lực từ bên ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, các cú sốc tác động tới các hộ gia đình, doanh nghiệp, ngành nghề, quốc gia, khu vực và toàn cầu xuất hiện với tần suất nhiều hơn, khó dự báo hơn và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự phân tách về chính trị, công nghệ, kinh tế trong thời gian gần đây và tiến xa hơn có thể là văn hóa, xã hội sẽ tiếp tục làm xói món các nền tảng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế thế giới trong vòng ba thập niên vừa qua.

Trước tình hình này, việc nghiên cứu các nhân tố tác động tới biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất các chính sách ứng phó, giúp nền kinh tế phục hồi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều nghiên cứu về biến động kinh tế vĩ mô đã chỉ ra các cú sốc như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả biến động, thiếu hụt năng lượng, gia tăng biến động chính trị, bất ổn thị trường tài chính và mở cửa thương mại… là các nguyên nhân chủ chốt dẫn tới biến động kinh tế vĩ mô (di Giovanni và Levchenko, 2009; Easterly và cộng sự, 2000; Klomp và de Haan, 2009). Bên cạnh đó, chất lượng thể chế, đa dạng hóa xuất khẩu và dòng kiều hối là các nhân tố có thể giảm thiểu hoặc khuếch đại ảnh hưởng của các cú sốc tới nền kinh tế (Balavac và Pugh, 2016; Klomp và de Haan, 2009). Một số nghiên cứu đã chỉ ra các quốc gia kém phát triển với danh mục hàng hóa đơn giản và cơ cấu xuất khẩu thiếu đa dạng đã phải đối mặt nhiều hơn với bất ổn kinh tế vĩ mô (Imbs và Waczirag, 2013; Koren và Teneyro, 2007; Krishna và Levchenko, 2013). Koren và Teneyro (2007) và Krishna và Levchenko (2013) nhận thấy các nước nghèo thường tập trung vào sản xuất các hàng hóa có giá cả biến động cao và phải thường xuyên đối mặt với biến động kinh tế vĩ mô do sự thiếu ổn định từ các nguồn thu xuất khẩu.

2. Năng lực sản xuất quốc gia

Một trường phái kinh tế gần đây thu hút được sự quan tâm của các nhà điều hành chính sách và nghiên cứu kinh tế là năng lực sản xuất (productive capabilities) hay mức độ phức tạp kinh tế (economic complexity). Mức độ phức tạp kinh tế là một khái niệm phản ánh năng lực của một quốc gia sản xuất ra nhiều loại hàng hóa có mức độ phức tạp cao. Khái niệm mức độ phức tạp kinh tế đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như tăng trưởng kinh tế (Dam và Frenken, 2020; Felipe và cộng sự, 2012; Ferrarini và Scaramozzino, 2016), bất bình đẳng (Chu và Hoang, 2020; Hartmann và cộng sự, 2017) và môi trường (Payne và cộng sự, 2023; Chu, 2021).

Hausmann và Hidalgo (2009) giả định mức độ phức tạp kinh tế được phản ánh thông qua mức độ đa dạng của năng lực sản xuất và sự kết nối các năng lực sản xuất trong một mạng lưới sản xuất quốc gia. Diễn đạt theo một cách khác, một nền kinh tế được cho là phức tạp (có mức độ phức tạp kinh tế cao) không chỉ sở hữu nhiều tri thức sản xuất hiện đại thông qua mạng lưới rộng lớn người lao động, doanh nghiệp, ngành nghề mà còn có thể vận dụng hiệu quả các tri thức này vào để sản xuất các sản phẩm có mức độ phức tạp cao. Kế đó, Hausmann và cộng sự (2014) sử dụng hai khái niệm mức độ đa dạng (diversity) và phổ biến (ubiquity) của hàng hóa do một quốc gia sản xuất (và xuất khẩu) để đo lường mức độ phức tạp kinh tế. Mức độ đa dạng đo lường số lượng hàng hóa một quốc gia có thể sản xuất một cách hiệu quả còn mức độ phổ biến đo lường số lượng quốc gia có thể sản xuất hàng hóa đó một cách hiệu quả.

Những lập luận trên của Hausmann và cộng sự (2014) có nguồn gốc từ ý tưởng của Adam Smith về sự thịnh vượng của quốc gia phụ thuộc vào chuyên môn hóa lao động. Khi người lao động và doanh nghiệp sản xuất và trao đổi các loại hàng hóa khác nhau dựa vào năng lực sản xuất của riêng họ, hiệu quả kinh tế sẽ gia tăng. Tuy nhiên, nếu như các quốc gia có thể trao đổi hàng hóa trên một thị trường toàn cầu nhờ vào quá trình toàn cầu hóa, thì vấn đề cốt lõi là: đâu là nguyên nhân của sự khác biệt về thu nhập (xa hơn sự thịnh vượng) của các quốc gia trong nhiều thập kỉ vừa qua? Câu trả lời có thể là do có một vài hoạt động hay nhân tố sản xuất không thể (hoặc không dễ dàng) trao đổi như cơ sở hạ tầng, thể chế, quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng lao động… trong khi chúng là điều kiện căn bản để các quốc gia sở hữu chúng có thể sản xuất được một số loại hàng hóa. Một điểm nữa cần lưu ý là trong khi các quốc gia giàu có sản xuất được nhiều sản phẩm hơn (tính trên mỗi đơn vị lao động) so với quốc gia nghèo, các quốc gia giàu có cũng sản xuất các sản phẩm có mức độ phức tạp hơn nhiều (khó sản xuất hơn). Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế không thể được giải thích đơn thuần là kết quả của việc tích lũy liên tục các yếu tố đầu vào cho sản xuất như vốn và lao động (và tất nhiên là quy mô sản lượng được tính toán một cách đơn thuần mà không phân tích các cấu phần và mối quan hệ giữa các cấu phần tạo nên nó). Quá trình phát triển kinh tế là sự tiến lên trong các “nấc thang” của các sản phẩm theo mức độ phức tạp của chúng, đòi hỏi cần có các yếu tố đầu vào sản xuất có trình độ cao hơn.  

Sản xuất các hàng hóa khác nhau đòi hỏi các loại tri thức khác nhau với trình độ khác nhau. Tri thức tồn tại dưới ba dạng là tri thức nằm trong các công cụ lao động, tri thức ẩn chứa trong các công thức sản xuất và tri thức nằm trong các bí quyết và kỹ năng của người lao động. Nếu như hai loại tri thức ban đầu có thể trao đổi tương đối dễ dàng giữa người lao động, doanh nghiệp và quốc gia thì loại tri thức thứ ba rất khó trao đổi, và buộc phải diễn ra trong một quá trình chuyển giao, học hỏi lẫn thử nghiệm lâu dài và tốn kém. Hàng hóa càng hiện đại thì càng ẩn chứa nhiều tri thức loại thứ ba, đòi hỏi sự kết hợp hoàn hảo giữa những người lao động nắm giữ loại tri thức này. Từ đó, có thể nhận thấy năng lực sản xuất của một quốc gia được thể hiện thông qua mức độ đa dạng của những năng lực sản xuất không thể trao đổi giữa các quốc gia. Sự khác biệt về năng lực sản xuất có thể giải thích phần lớn sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế.

3. Vai trò của năng lực sản xuất quốc gia trong giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô

Nghiên cứu về ảnh hưởng của mức độ phức tạp kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô là thực sự cần thiết trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tri thức. Kết nối hai lĩnh vực nghiên cứu về biến động kinh tế vĩ mô và năng lực sản xuất sẽ giúp chúng ta trả lời ba câu hỏi quan trọng sau.

Thứ nhất, nâng cao năng lực sản xuất có giúp quốc gia giảm thiểu được biến động kinh tế vĩ mô hay không?

Thứ hai, liệu ảnh hưởng của năng lực sản xuất tới biến động kinh tế vĩ mô có sự khác biệt giữa các nhóm quốc gia hay không? So với các quốc gia thu nhập cao và trung bình cao, các quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp thường xuyên phải đối mặt với nhiều cú sốc trong khi chất lượng thể chế, năng lực quản trị quốc gia và nguồn lực ứng phó lại thấp hơn đáng kể. Hệ quả là các quốc gia này gặp phải tình trạng biến động kinh tế vĩ mô cao hơn và thường xuyên hơn so với các nền kinh tế phát triển và mới nổi.  

Thứ ba, nâng cao năng lực sản xuất liệu có khuếch đại hay giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô hay không? Nâng cao năng lực sản xuất quốc gia là một quá trình phát triển các năng lực sản xuất mới dựa trên các năng lực sản xuất hiện tại. Do đó, năng lực sản xuất của một quốc gia được phản ánh qua một mạng lưới hàng hóa, lĩnh vực, ngành nghề có mức độ gắn kết với nhau. Mức độ phức tạp kinh tế càng cao thì mạng lưới liên kết năng lực sản xuất và hàng hóa càng chặt chẽ với nhau hơn. Do vậy, một cú sốc tác động tới một năng lực sản xuất, hàng hóa, hay ngành nghề bất kỳ có thể dễ dàng lan truyền sang các năng lực sản xuất, hàng hóa, hay ngành nghề khác.

Để trả lời ba câu hỏi trên, dữ liệu 122 quốc gia trong giai đoạn 1996 - 2019 được thu thập và phân chia thành hai nhóm 78 quốc gia thu nhập cao và trung bình cao và 44 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp[1]. Ảnh hưởng của năng lực sản xuất quốc gia và cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô được đo lường thông qua một mô hình động[2]. Biến động kinh tế vĩ mô được đo lường bằng biến động tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người nhưng tính tới tốc độ tăng trưởng bình quân theo phương pháp của da Silva và cộng sự (2017). Khi so sánh hai quốc gia có cùng độ lệch chuẩn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một thời gian dài thì quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn hơn sẽ có lợi thế hơn để bứt phá trong kinh tế đồng thời duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó vươn lên thành nền kinh tế hàng đầu chỉ trong vài thập kỷ. Năng lực sản xuất quốc gia, hay chỉ số phức tạp kinh tế do Hausmann và cộng sự (2014) xây dựng dựa trên dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu sẽ đại diện cho năng lực sản xuất quốc gia. Hausmann và cộng sự (2014) đã vận dụng lý thuyết về lợi thế so sánh biểu lộ và phương pháp phân tích thành phần chính để rút ra đặc điểm chung của dữ liệu thương mại cho phép hình thành dữ liệu về mức độ phức tạp kinh tế cho từng quốc gia. Cú sốc tỷ giá thương mại hàng hóa (Beck và cộng sự, 2006; Ćorić và Pugh, 2013; Yang và Liu, 2016) và cú sốc giá cả (Ahmed và Suardi, 2009; Balavac và Pugh, 2016; Gnangnon, 2023; Williams, 2014) được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của các cú sốc tới biến động kinh tế vĩ mô. Áp dụng phương pháp ước lượng tổng quát hóa moment vào ước lượng tác động của năng lực sản xuất quốc gia và các cú sốc tới mức độ biến động kinh tế vĩ mô[3] đưa ra câu trả lời cho ba câu hỏi trên như sau:

Thứ nhất, nâng cao mức độ phức tạp kinh tế hay năng lực sản xuất giúp một quốc gia hạn chế được biến động kinh tế vĩ mô, trong trường hợp các yếu tố khác không đổi. Nói cách khác, năng lực sản xuất gia tăng giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nhưng ít bị biến động hơn. Ảnh hưởng tích cực này khá tương đồng với kết quả của một số nghiên cứu trước đây về vai trò của mức độ phức tạp kinh tế (Nguyen và Schinckus, 2022), đa dạng hóa xuất khẩu (Bejan, 2006; Bacchetta và cộng sự, 2007; Haddad và cộng sự, 2013) và đa dạng hóa cấu trúc kinh tế (Joya, 2015) trong giảm thiếu biến động kinh tế vĩ mô. Ở góc độ vi mô, một doanh nghiệp với nhiều năng lực sản xuất có thể ứng phó tốt hơn với các cú sốc thông qua nhiều cơ chế. Cơ chế thứ nhất dựa vào sự phân phối các năng lực sản xuất trong nền kinh tế. Khi người lao động được chuyên môn hóa, quá trình tái phân phối các năng lực sản xuất từ các doanh nghiệp thiếu hiệu quả sang các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn khi có biến động kinh tế xảy ra sẽ dễ dàng hơn (Haltiwanger, 2011). Quá trình này nếu diễn ra nhanh và hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng được với các cú sốc kinh tế, giúp các hoạt động và chỉ tiêu kinh doanh ít biến động hơn. Ở cơ chế thứ hai, doanh nghiệp với lao động có trình độ tri thức cao, công nghệ hiện đại sẽ sản xuất các sản phẩm phức tạp, có độ co giãn cầu thấp, từ đó chịu ít ảnh hưởng từ các cú sốc từ phía cầu (Kraay và Ventura, 2007). Cơ chế thứ ba liên quan tới tính hiệu quả của thể chế quản trị các quan hệ sản xuất. Khi chuyên môn hóa được đề cao, người lao động thực hiện các công việc khác nhau sẽ được kết nối với nhau. Ở phạm vi nền kinh tế, các thể chế kết nối các doanh nghiệp trong một thị trường có tính hiệu quả cao (Krishna và Levchenko, 2013). Các thể chế ở đây bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau từ chính trị, luật pháp cho tới kinh tế (Deephouse, 1999; Dacin và cộng sự, 2007; Koren và Tenreyro, 2007). Ví dụ, các hợp đồng với tính hiệu lực cao sẽ giúp quá trình phân bổ và sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp và nền kinh tế hiệu quả hơn. Khi nền kinh tế biến động, sự hiệu quả của các thể chế này sẽ giúp khắc phục những xáo trộn trong nền kinh tế và đưa các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trở về trạng thái ổn định nhanh hơn với ít thiệt hại hơn.

Những lập luận kể trên cũng có thể áp dụng ở góc độ vĩ mô. Khi một cú sốc xảy ra ở một lĩnh vực bất kỳ, một nền kinh tế có nhiều năng lực sản xuất sẽ dễ dàng vượt qua nhờ việc tập trung các nguồn lực để khắc phục và cải tiến những nguyên nhân (một hoặc một vài năng lực sản xuất kém) dẫn tới sự yếu kém ở chính lĩnh vực đó. Với nhiều lĩnh vực sản xuất, năng lực sản xuất đa dạng và thể chế hiệu quả, các nguồn lực trong nền kinh tế có thể nhanh chóng tái phân bổ từ các lĩnh vực đang gặp phải rủi ro sang các lĩnh vực vẫn duy trì được ổn định, giúp cho tổng thể nền kinh tế ít chịu ảnh hưởng. Hơn nữa, trong các nền kinh tế có mức độ phức tạp kinh tế cao, ít xảy ra trường hợp một hoặc một vài lĩnh vực chiếm tỷ trọng quá lớn về vốn và lao động trong tổng thể nền kinh tế. Do mỗi lĩnh vực chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối thấp trong tổng thể nên một cú sốc xảy ra với một hoặc một vài lĩnh vực sẽ ít có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.

Thứ hai, nâng cao năng lực sản xuất quốc gia giúp quốc gia thu nhập cao và trung bình cao hạn chế biến động kinh tế vĩ mô nhưng vai trò tích cực này không phát huy tác dụng tại quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Nghiên cứu của Breitenbach và cộng sự (2022) chỉ ra các nước có mức độ phức tạp kinh tế thấp cần nhiều thời gian hơn để nhận được ích lợi từ nâng cao năng lực sản xuất đối với ổn định kinh tế vĩ mô hơn các nước có mức độ phức tạp kinh tế cao.

Thứ ba, năng lực sản xuất quốc gia có khả năng khuếch đại ảnh hưởng của các cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô và mức độ khuếch đại là khác nhau giữa hai nhóm quốc gia. Năng lực sản xuất quốc gia càng cao thì ảnh hưởng tiêu cực của các cú sốc càng được lan truyền mạnh hơn tới nền kinh tế. Các nền kinh tế có mức độ phức tạp cao đồng nghĩa với mức độ liên kết cao giữa các hàng hóa và lĩnh vực. Hàng hóa càng phức tạp thì càng cần nhiều năng lực sản xuất liên quan tới nhiều lĩnh vực nên một nền kinh tế có mức độ phức tạp cao có sự kết nối chặt chẽ giữa các năng lực sản xuất. Sự liên kết giữa các hàng hóa càng cao thì ảnh hưởng từ một cú sốc tới một hàng hóa hay một lĩnh vực, ngành nghề sẽ nhanh chóng được lan truyền ra các hàng hóa và các ngành khác. Như vậy, ảnh hưởng của việc gia tăng mức độ phức tạp kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô hoạt động như “một con dao hai lưỡi” khi có tác động trực tiếp làm giảm mức độ biến động tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời lại khuếch đại ảnh hưởng của các cú sốc tới nền kinh tế.

Tuy nhiên, ảnh hưởng khuếch đại của mức độ phức tạp kinh tế là khác nhau giữa nhóm quốc gia thu nhập cao và trung bình cao với nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Sự khuếch đại của mức độ phức tạp kinh tế lên ảnh hưởng cú sốc tỷ giá thương mại hàng hóa tại nhóm quốc gia thu nhập cao và trung bình cao là không có ý nghĩa thống kê trong giới hạn mức độ phức tạp kinh tế hiện tại. Trong khi đó, ảnh hưởng khuếch đại tại nhóm quốc gia thu nhập trung bình và thấp là có ý nghĩa thống kê. Gia tăng mức độ phức tạp kinh tế lên mức độ cao hơn sẽ làm cho ảnh hưởng tiêu cực của cú sốc tỷ giá thương mại hàng hóa lên biến động kinh tế vĩ mô gia tăng đáng kể đối với nhóm quốc gia này. Trái lại, sự khuếch đại của mức độ phức tạp kinh tế đối với cú sốc giá cả tại nhóm quốc gia thu nhập cao và trung bình cao lại mạnh hơn nhiều so với trường hợp tại nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Việc nhận biết và phân tích chính xác các cú sốc và ảnh hưởng khuếch đại của năng lực sản xuất quốc gia là rất cần thiết để có những giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát biến động kinh tế vĩ mô.

II. Năng lực sản xuất quốc gia của Việt Nam trong hai thập niên vừa qua

Năng lực sản xuất quốc gia (hay mức độ phức tạp kinh tế) của Việt Nam trong giai đoạn năm 2000 đến 2020 được phân tích thông qua phân tích qua quy mô và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, lợi thế so sánh biểu lộ và mức độ phức tạp kinh tế của các hàng hóa mà Việt Nam có lợi thế so sánh biểu lộ.

1. Quy mô và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Hình 1 sử dụng biểu đồ cây để mô tả quy mô và số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua hai năm 2000 và 2020. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đã tăng trưởng rất nhanh từ mức hơn 18,1 tỷ USD vào năm 2000 lên mức 300,4 tỷ USD (tốc độ bình quân 15,1%/năm). Số lượng hàng hóa xuất khẩu cũng có sự thay đổi tích cực khi năm 2020 Việt Nam xuất khẩu hàng hóa thuộc 1174 nhóm theo Hệ thống mã hóa và mô tả hàng hóa hài hòa (Harmonized Commodity Description and Coding System), nhiều hơn 152 nhóm so với năm 2000.

Song song với quá trình gia tăng về quy mô và số lượng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự thay đổi căn bản về cơ cấu với nhiều hơn các hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ. Hình 1 cho thấy cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2000 chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản, chủ yếu là dầu thô (chiếm 21,4% tổng giá trị xuất khẩu năm 2000), dệt may (17,2%), giày dép và mũ (13,5%) và rau củ (11,7%). Cơ cấu này bắt đầu chuyển dịch dần vào năm 2010 khi dệt may và máy móc trở thành hai nhóm ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất, lần lượt chiếm tỷ trọng 19,0% và 16,0% tổng giá trị xuất khẩu. Năm 2015, giá trị xuất khẩu máy móc (thiết bị phát sóng, máy tính, điện thoại và vi mạch điện tử) chiếm tới 36,5% kim ngạch xuất khẩu, gấp đôi tỷ trọng của dệt may là 16,9%. Xu hướng này tiếp tục tới năm 2020 khi tỷ trọng giá trị xuất khẩu máy móc lên tới 46,6% tổng giá trị xuất khẩu, dệt may chiếm 13%, giày dép và mũ là 6,4%, rau củ là 4,5% còn khoảng sản chỉ còn chiếm 1,7%.

Hình 1: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Phần A. Năm 2000

Phần B. Năm 2020

Để đánh giá toàn diện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, cần xem xét số lượng và tỷ trọng hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ (revealed competitive advantage). Năm 2000, có 210 hàng hóa trong tổng số 1.022 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế so sánh biểu lộ (chiếm tỷ trọng 20,5%), tập trung ở các nhóm ngành dệt may (56 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ trong số 133 hàng hóa, tỷ trọng 42,1%), rau củ (34,3%), khoáng sản (25,0%), giày dép và mũ (70,0%). Năm 2020, có 252 hàng hóa trong tổng số 1.174 hàng hóa xuất khẩu có lợi thế so sánh biểu lộ (21,5%), tập trung ở các nhóm ngành dệt may (47,6%), rau củ (21,1%), khoáng sản (19,7%), giày dép và mũ (57,9%). Riêng nhóm ngành máy móc, có 25 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ trong tổng số 132 hàng hóa xuất khẩu (18,9%). Giá trị xuất khẩu của nhóm ngành máy móc này năm 2020 lên tới 139,9 tỷ USD, trở thành nhóm ngành có mức độ đóng góp vào xuất khẩu cao nhất (gấp 3,6 lần nhóm ngành đứng thứ hai là dệt may). Như vậy, từ năm 2000 đến 2020, số lượng hàng hóa mà Việt Nam có lợi thế so sánh biểu lộ đã tăng, phản ánh một giai đoạn đẩy mạnh đa dạng hóa các năng lực sản xuất có mức độ phức tạp cao.

2. Phân tích năng lực sản xuất của Việt Nam thông qua không gian hàng hóa

Sự phát triển kinh tế của một quốc gia được biểu hiện bởi tri thức dùng cho sản xuất (năng lực sản xuất) ẩn chứa trong xã hội nên việc phân tích kinh tế cần tập trung vào cơ chế hình thành các hàng hóa (là kết quả của nhiều năng lực sản xuất đơn lẻ được kết hợp với nhau). Các năng lực sản xuất này có thể bao gồm kỹ năng, tri thức cho tới thể chế, văn hóa mang tính đặc trưng của quốc gia. Các quốc gia phát triển dựa vào việc mở rộng năng lực sản xuất hiện tại để có thể sản xuất nhiều hơn các hàng hóa, từ đó làm tăng mức độ phức tạp kinh tế.

Mô hình hóa quá trình phát triển của các quốc gia thông qua việc phân tích sự thay đổi trong cơ cấu hàng xuất khẩu, có thể dựa vào không gian hàng hóa được tính dựa trên lợi thế so sánh biểu lộ. Không gian hàng hóa là một mạng lưới các điểm (thể hiện các hàng hóa) được kết nối với nhau dựa trên mức độ liên quan của các năng lực sản xuất cần thiết để sản xuất ra chúng. Đường kết nối hai điểm bất kỳ trong không gian hàng hóa thể hiện mối quan hệ hai hàng hóa cùng được sản xuất và xuất khẩu bởi một nhóm quốc gia. Nói cách khác, đo lường khoảng cách giữa các cặp hàng hóa dựa trên xác suất chúng cùng được xuất khẩu bởi các quốc gia cho phép chúng ta xây dựng một mạng lưới các hàng hóa mà mỗi hàng hóa có một mức độ tương quan nhất định với các hàng hóa khác. Hình 2 trình bày không gian hàng hóa của Việt Nam các năm 2000 và 2020. Bên cạnh sự thay đổi về quy mô, số lượng và cơ cấu đã phân tích ở trên, có bốn đặc điểm lớn cần lưu ý sau khi phân tích không gian hàng hóa của Việt Nam.

Thứ nhất, trong không gian hàng hóa của Việt Nam, các hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ và có giá trị xuất khẩu lớn tập trung chủ yếu ở phần ngoại vi. Cụ thể, bốn nhóm ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2000-2020 là máy móc (cụm màu xanh dương, góc dưới cùng bên trái), dệt may, giày dép và mũ (cụm màu xanh lá, góc trên cùng bên phải) và rau củ (cụm màu cam, góc dưới cùng ở giữa). Trong bốn nhóm ngành này, các hàng hóa có mức độ liên kết với nhau cao hơn (so với các hàng hóa khác) khi đường kết nối giữa các hình tròn là rất ngắn, thể hiện sự tương đồng về năng lực sản xuất để sản xuất ra các hàng hóa này. Đây là kết quả của việc Việt Nam đã tập trung được nguồn vốn, lao động và công nghệ (từ cả trong và ngoài nước thông qua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) thông qua các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm tích lũy năng lực sản xuất trong hơn hai thập kỉ vừa qua.

Hình 2: Không gian hàng hóa của Việt Nam

Phần A. Năm 2000

Phần B. Năm 2020

Thứ hai, ở trung tâm của không gian hàng hóa, nơi tập trung các hàng hóa có mức độ phức tạp cao hơn và có mức độ liên kết cao trong không gian hàng hóa, Việt Nam rất thiếu vắng các hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ lẫn hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn. Các nước có năng lực sản xuất thấp và trung bình thường hình thành các nhóm ngành ở ngoại vi của không gian hàng hóa trong khi các nước có năng lực sản xuất cao có nhiều nhóm ngành ở trung tâm. Không gian hàng hóa của Việt Nam phản ánh sự thay đổi mang tính cấu trúc từ một nền kinh tế có trình độ sản xuất thấp, thiếu đa dạng sang một nền kinh tế có trình độ sản xuất trung bình, đa dạng hơn nhưng còn khoảng cách rất xa mới có thể đạt tới trình độ sản xuất cao và đa dạng như nhiều nước tiên tiến.

Thứ ba, mức độ phức tạp của hàng hóa xuất khẩu đã có sự cải thiện. Các hàng hóa của Việt Nam có giá trị xuất khẩu năm 2020 lớn hơn 1 tỷ USD (tương đương 0,333% giá trị xuất khẩu) với lợi thế so sánh biểu lộ, giá trị xuất khẩu và mức độ phức tạp tương ứng. Trong tổng số 53 hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn hơn 1 tỷ USD (tổng giá trị xuất khẩu là 221,4 tỷ USD), có 49 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ lớn hơn 1 (chiếm 97,6% giá trị xuất khẩu) và có 22 hàng hóa có mức độ phức tạp lớn hơn 0 (chiếm 63% giá trị xuất khẩu). Các hàng hóa có mức độ phức tạp cao tập trung chủ yếu ở nhóm ngành máy móc (vi mạch điện tử 1,49, máy tính 1,04, bảng mạch điện tử 0,98). Các hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao nhất có mức độ phức tạp kinh tế thấp hơn như thiết bị phát sóng (0,42) và điện thoại (0,69). Dầu thô (-2,38) và dừa, quả hạch và hạt điều (-2,32), gạo (-2,02) và động vật giáp xác (-2,01) là các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhưng mức độ phức tạp thấp nhất. Tuy ở mức cao hơn, dệt may và giày dép và mũ cũng chỉ là nhóm có mức độ phức tạp thấp, ví dụ áo thun dệt kim (-1,46) và giày da (-0,74). Qua phân tích, có thể nhận thấy các hàng hóa xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam thì chỉ có nhóm ngành máy móc là có mức độ phức tạp cao còn các nhóm ngành chủ chốt khác như dệt may, giày dép và mũ và rau củ có mức độ phức tạp thấp. Việt Nam đã tích lũy được thêm năng lực sản xuất mới hơn và cao hơn qua hai thập kỷ và góp phần vào việc sản xuất ra các hàng hóa đa dạng hơn và hiếm hơn (mức độ phức tạp cao hơn).

Thứ tư, vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng trong hình thành các năng lực sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp mà các nhà đầu tư nước ngoài có trên 50% vốn góp tại các chi nhánh, công ty con (FATS). Năm 2020, Việt Nam có 19.113 doanh nghiệp FATS với 4,949 triệu lao động, chiếm 85,9% so doanh nghiệp FDI, 97,2% so lao động doanh nghiệp FDI, tạo ra 96,6% doanh thu và 99,3% giá trị xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Nếu tính tổng thể cả nền kinh tế, các doanh nghiệp FATS đóng góp tới 74,8% giá trị xuất khẩu. Ở khía cạnh tích cực, việc thu hút được các doanh nghiệp FATS đầu tư vào Việt Nam đã giúp cho nền kinh tế đa dạng hóa và nâng cấp các hàng hóa sản xuất và xuất khẩu thông qua việc có thêm các năng lực sản xuất mới và cao hơn gần như ngay lập tức (nếu tự phát triển thì sẽ cần rất nhiều thời gian và nguồn lực). Chỉ tính trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, số lượng doanh nghiệp FATS là 9.539 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính với 1.102 doanh nghiệp, sản xuất trang phục với 916 doanh nghiệp, sản xuất da giày với 607 doanh nghiệp… Ở góc độ khác, cần lưu ý rằng các doanh nghiệp FATS sản xuất hàng hóa tại Việt Nam chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng từ các công ty mẹ để tiêu thụ ở thị trường nước ngoài với kênh cung ứng và phân phối kèm theo. Do vậy, các doanh nghiệp FATS phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghệ nguồn từ nước ngoài trong khi công nghiệp phụ trợ của Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến cho các năng lực sản xuất của các doanh nghiệp FATS bị giới hạn trong phạm vi của nhóm doanh nghiệp này mà ít lan tỏa ra nền kinh tế. Tình trạng này rất phổ biến và trầm trọng tại các doanh nghiệp FATS với các hàng hóa có mức độ phức tạp kinh tế cao nhất do các doanh nghiệp này lại liên kết theo chiều dọc với phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài và hệ thống phân phối cũng do công ty nước ngoài đảm nhiệm. Ngoài ra, việc phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ một số ít quốc gia cũng tạo ra những rủi ro đối với Việt Nam trong quản trị chuỗi cung ứng.  

Tóm lại, phân tích cơ cấu và đặc điểm của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua cho thấy một số vấn đề nổi bật sau.

Thứ nhất, Việt Nam từ một quốc gia sản xuất và xuất khẩu tài nguyên thô là chủ yếu đã hình thành một cơ cấu sản xuất đa dạng hơn các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cơ bản tránh được tình trạng không đa dạng hóa hàng hóa, nhất là những thời điểm giá hàng hóa thế giới tăng cao.

Thứ hai, từ một nền kinh tế lạc hậu với năng lực sản xuất hạn chế, Việt Nam đã có được những năng lực sản xuất mới và hiện đại hơn đáng kể, góp phần tạo ra các hàng hóa có mức độ phức tạp cao hơn và có giá trị xuất khẩu lớn hơn. Không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, gia tăng mức độ hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, những năng lực sản xuất mới này có giúp tạo ra nhiều việc làm, giải quyết được vấn đề thu nhập cho lượng lớn người lao động.

Thứ ba, do phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI (đặc biệt là các doanh nghiệp FATS) để tạo ra các năng lực sản xuất mới và hiện đại trong khi khả năng lan tỏa tri thức thấp nên nền kinh tế nội địa không sở hữu thêm nhiều các năng lực sản xuất mới và hiện đại. Đặc điểm này khiến cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp FDI để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế cao.

Thứ tư, mức độ phức tạp của nền kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, từ mức -0,59 năm 2000 (đứng thứ 93/132 quốc gia) lên mức 0,04 năm 2021 (đứng thứ 61/133 quốc gia). Sự cải thiện năng lực sản xuất quốc gia tạo điều kiện để thay đổi cấu trúc nền kinh tế và đa dạng hóa xuất khẩu, góp phần giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các năng lực sản xuất mới cũng khiến cho ảnh hưởng của các cú sốc, nhất là các cú sốc từ bên ngoài tới nền kinh tế Việt Nam trở nên mạnh hơn.

III. Bối cảnh kinh tế vĩ mô và gợi ý chính sách phát triển năng lực sản xuất quốc gia cho Việt Nam trong các thập niên tới

1. Bối cảnh kinh tế vĩ mô và những thách thức mới đối với Việt Nam

Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cơ hội phát triển cho một số lĩnh vực, một số quốc gia đã tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy năng lực sản xuất và tạo tiền đề cho tăng trưởng đột phá. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp này cũng sẽ tạo ra sự “hủy diệt” ở một số lĩnh vực, thậm chí trở thành yếu tố để các nền kinh tế, quốc gia lớn cạnh tranh, gây ra sự xáo động về kinh tế xã hội. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đã dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến tranh kinh tế, biến động kinh tế vĩ mô và đẩy quá trình phân cực địa chính trị, phân tách kinh tế, công nghệ và xã hội đi xa hơn. Từng quốc gia, khu vực, liên minh kinh tế, quân sự cần có những biện pháp phòng ngừa chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn trong một môi trường có nhiều tính bất định như hiện nay. Gần đây, xu hướng chững lại của toàn cầu hóa đã được củng cố rõ rệt với tốc độ tăng trưởng thương mại chậm lại. Một mặt, toàn cầu hóa đem lại lợi ích và cơ hội cho các quốc gia, người dân trên toàn cầu nhưng mặt khác, toàn cầu hóa cũng tạo ra thế “kẻ thắng-người thua”, sự thiếu ổn định của sản xuất trong nước do sự phân bổ lợi ích không đồng đều, tạo ra những mâu thuẫn, rạn nứt nhất định trong nội bộ mỗi quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau. Về lâu dài, toàn cầu hóa vẫn sẽ được thúc đẩy nhưng sẽ được cấu trúc lại theo sự phân cực địa chính trị mới. Quá trình điều chỉnh sẽ được thực hiện theo hướng cân bằng hơn giữa tự do hóa, mở cửa thị trường, chấp nhận các nhược điểm của nền kinh tế thị trường với bảo đảm khả năng tự cường, chống chịu của nền kinh tế, hạn chế bị phụ thuộc (vào một số đối tác và thị trường) và đặc biệt là sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước.

Những xu hướng kinh tế và chính trị kể trên đặt ra cho mỗi quốc gia mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao tính độc lập và tự chủ kinh tế, trong đó phải kể đến Việt Nam, một quốc gia thu nhập trung bình thấp với đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đã có từ khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, đặc biệt là kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, thời điểm khởi đầu cho công cuộc Đổi mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ ra một trong những định hướng lớn về phát triển kinh tế là “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu tổng quát “kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”, “phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và “phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Muốn đạt được các mục tiêu này, Việt Nam phải xác định được cần từ bỏ hay cải thiện các năng lực sản xuất hiện tại nào và hình thành các năng lực sản xuất mới nào trong từng giai đoạn phát triển sắp tới. Những năng lực sản xuất này quyết định Việt Nam sẽ sản xuất hàng hóa gì để có thể định vị vị trí của mình trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, tiêu thụ bao nhiêu nguồn lực như năng lượng, lao động, vật tư đầu vào cho sản xuất và tạo ra được bao nhiêu giá trị gia tăng cho nền kinh tế, giải quyết được bao nhiêu việc làm, có giúp nền kinh tế vĩ mô trở nên ổn định và tăng cường sức chống chịu với các cú sốc hay không.

Quá trình nâng cấp các năng lực sản xuất của nền kinh tế chính là một phần của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có mục tiêu đa dạng hóa, nâng cấp năng lực sản xuất không thể chỉ dựa vào khu vực doanh nghiệp tư nhân mà rất cần sự định hướng của Nhà nước, đặc biệt là trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cho thấy sự thất bại của kinh tế thị trường là một lực cản lớn đối với quá trình nâng cấp các năng lực sản xuất của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân thường phải đối mặt với những bất định khi quyết định đầu tư vào năng lực sản xuất mới để sản xuất ra hàng hóa mới. Đặc tính này gia tăng ngày một nhiều trong bối cảnh các rủi ro xuất hiện với tần suất và mức độ ảnh hưởng ngày một lớn. Ngoài ra, quá trình sản xuất và phân phối các hàng hóa mới có thể gặp phải sự thiếu hụt các năng lực sản xuất ở trước và sau trong chuỗi giá trị. Sự thiếu hụt này sẽ dẫn tới tình trạng quốc gia không thể thúc đẩy các năng lực sản xuất mới hơn, cao cấp hơn và bị “nhốt” lại trong bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, khả năng của Nhà nước tham gia vào các chuỗi giá trị hay phát triển các năng lực sản xuất bị hạn chế do nguồn lực có giới hạn và nhiều mục tiêu xã hội thay vì chỉ tập trung vào kinh tế. Do đó, việc Nhà nước xác định các chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách và công cụ để phát triển các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt với năng lực sản xuất hiện đại và song song với đó, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ khu vực tư nhân mở rộng năng lực sản xuất vào một số ngành nghề, hàng hóa là hết sức cần thiết.

2. Chính sách phát triển năng lực sản xuất quốc gia cho Việt Nam

Thông thường, các quốc gia sẽ có xu hướng hình thành các năng lực sản xuất mới dựa vào các năng lực sản xuất hiện tại. Thực vậy, các quốc gia bắt đầu đa dạng hóa các hàng hóa của mình bằng việc chuyển từ sản xuất một sản phẩm hiện tại sang sản xuất sản phẩm mới nhưng trong cùng một lĩnh vực (hơn là tạo ra một bước nhảy vọt để sản xuất sản phẩm mới ở trong lĩnh vực khác đòi hỏi các công nghệ mới và chứa đựng nhiều rủi ro). Căn cứ vào mức độ phức tạp kinh tế và đặc điểm của hàng hóa mà Việt Nam hiện đang sản xuất và xuất khẩu, có thể xác định được danh mục các hàng hóa mà Việt Nam nên tập trung sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới. Quá trình này bao gồm các bước xác định các chiến lược công nghiệp hóa và từ đó hình thành nên danh mục các hàng hóa tương ứng theo một mức độ ưu tiên nhất định.

Định hướng chiến lược công nghiệp hóa của một quốc gia được xây dựng dựa trên việc đánh giá năng lực sản xuất quốc gia (mức độ phức tạp kinh tế) và triển vọng phức tạp kinh tế. Chỉ số triển vọng phức tạp kinh tế của một quốc gia xem xét có bao nhiêu hàng hóa phức tạp đang ở gần năng lực sản xuất hiện tại của quốc gia đó. Chỉ số triển vọng phức tạp kinh tế của một quốc gia cao hàm ý quốc gia này có nhiều cơ hội để sản xuất ra các hàng hóa có mức độ phức tạp cao hơn, từ đó đa dạng hóa năng lực sản xuất. So với quá khứ, Việt Nam đã cải thiện tốt hơn năng lực sản xuất so với trước đây nên giờ là lúc cần tận dụng các năng lực sản xuất này vào sản xuất ra các hàng hóa mới hơn, phù hợp với xu thế sản xuất của thế giới trong khoảng ba thập kỷ tới. Việc chọn đúng ngành, có chính sách hỗ trợ đúng và thực hiện đúng thời điểm sẽ quyết định sự thành công của chiến lược công nghiệp hóa. Trong quá trình này, cần chú ý vào các quan điểm sau:

Thứ nhất, chiến lược phát triển công nghiệp cần chuyển dần từ sử dụng nhiều lao động và năng lượng với chi phí cạnh tranh sang sử dụng nhiều công nghệ hơn, tập trung hình thành các doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất cao hơn. Khi mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tận dụng lợi thế về chi phí không còn mang lại hiệu quả như trước, cần hình thành các doanh nghiệp nội địa có năng lực về công nghệ, tài chính, và trình độ quản trị để từng bước vươn ra thị trường quốc tế, đi đầu và chiếm lĩnh nhiều vị trí (làm nhiều khâu hơn) trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chiến lược phát triển công nghiệp cần giải quyết được mâu thuẫn giữa việc nâng cấp trình độ sản xuất công nghiệp và duy trì trạng thái toàn dụng lao động (một quốc gia có trên 50 triệu lao động). Các doanh nghiệp nội địa sẽ hình thành hai nhóm, một nhóm doanh nghiệp dẫn đầu với trình độ sản xuất cao, thực hiện được các khâu có giá trị gia tăng cao trong một chuỗi giá trị hàng hóa và phải có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp này sẽ sử dụng đầu vào là sản phẩm đầu ra của nhóm doanh nghiệp doanh nghiệp nội địa còn lại, là các doanh nghiệp chuyên cung ứng nguồn lực lao động dồi dào (thực hiện các khâu có giá trị gia tăng thấp hơn). Theo thời gian, các doanh nghiệp ở nhóm thứ hai này sẽ được tạo điều kiện phát triển theo hướng nâng cấp hiệu quả, chất lượng, đa dạng hóa và tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Hình thành được các doanh nghiệp để cạnh tranh được trong nước, vươn ra thị trường nước ngoài và tạo được việc làm ổn định cho người lao động sẽ giúp cho nền kinh tế chống chịu tốt hơn với các cú sốc.

Thứ hai, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, Chính phủ cần triển khai các chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sẽ là xu hướng sản xuất của thế giới trong khoảng ba thập kỷ nữa. Xây dựng hạ tầng giao thông có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển vận tải hàng hóa thông minh, sản xuất và phân phối năng lượng xanh và thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả là các ngành công nghiệp cần được ưu tiên trong xu thế phát triển bền vững. Vai trò của Nhà nước được thực hiện thông qua phương thức đặt hàng các công trình (hoặc dịch vụ) quan trọng quốc gia cho doanh nghiệp nội địa (không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân). Ví dụ, dự án đầu tư của Nhà nước để nâng cấp hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường sắt và đường thủy sử dụng năng lượng sạch, vật liệu thân thiện môi trường và các thiết bị tiết kiệm năng lượng có thể thúc đẩy được sự phát triển của một ngành công nghiệp cơ khí nhờ vào quy mô thị trường đủ lớn.

Tương tự, công nghiệp hóa và đô thị hóa là hai quá trình diễn ra song song và có tính đan xen, tác động qua lại rất chặt chẽ. Việt Nam đang đối mặt với vấn đề tốc độ đô thị hóa chậm hơn so với tốc độ công nghiệp hóa ở một số địa phương có nhiều khu công nghiệp. Một bộ phận người lao động và gia đình họ di chuyển tới các đô thị để làm việc nhưng lại khó tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, học tập, y tế và nhà ở… làm cản trở tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cần phát triển năng lực sản xuất công nghiệp để xử lý vấn đề đô thị hóa để tự tạo ra một thị trường đủ lớn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và trở thành tấm đệm cho các cú sốc từ thị trường bên ngoài. Ví dụ, hình thành các doanh nghiệp có năng lực xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tự sản xuất năng lượng sạch để đáp ứng một phần nhu cầu, có khả năng phân loại rác thải và tái chế. Việc đầu tư phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường cũng giúp ngăn ngừa những rủi ro trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển áp đặt các tiêu chí về phát triển bền vững lên hàng hóa nhập khẩu.

Thứ ba, để có thể nâng cấp được năng lực sản xuất, cần phải xác định thông qua các hàng hóa (hiện giờ Việt Nam chưa có lợi thế so sánh biểu lộ) nên tập trung vào sản xuất trong thời gian tới. Cần dựa trên các tiêu chí sau: là hàng hóa có mức độ phức tạp cao, tạo ra sự gia tăng về mức độ phức tạp kinh tế lẫn sự đa dạng hóa cho danh mục hàng hóa và nằm gần với năng lực sản xuất hiện tại. Cụ thể hóa ba tiêu chí thành các tiêu chí về khoảng cách, chỉ số phức tạp kinh tế và lợi ích cơ hội. Lợi ích cơ hội là chỉ tiêu đo lường lợi ích phức tạp kinh tế tăng thêm của một quốc gia từ việc sản xuất thêm một hàng hóa. Nói cách khác, lợi ích cơ hội lượng hóa mức độ đóng góp thêm về năng lực sản xuất khi một quốc gia sản xuất thêm một hàng hóa. Khoảng cách được xây dựng dựa trên khái niệm sự liên kết, là khoảng cách giữa một hàng hóa với các hàng hóa mà quốc gia đang sản xuất.

Ba tiêu chí đã nêu được vận dụng vào quy trình lựa chọn hàng hóa như sau: chọn các hàng hóa chưa có lợi thế so sánh biểu lộ có mức độ phức tạp lớn hơn mức độ phức tạp của nền kinh tế và có khoảng cách thấp hơn giá trị trung vị của hàng hóa hiện tại. Trong tổng số 1.155 hàng hóa trong danh mục hàng hóa theo hệ thống HS 92, Việt Nam có 168 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ nên sau khi loại các hàng hóa này, còn 987 hàng hóa. Hai tiêu chí về mức độ phức tạp và khoảng cách lần lượt có giá trị bằng 0,18 và 0,82. Cụ thể, loại 480 hàng hóa không đáp ứng tiêu chí về mức độ phức tạp hàng hóa và loại 492 hàng hóa không đáp ứng tiêu chí về khoảng cách. Do có 120 hàng hóa bị loại là giao thoa của hai tiêu chí nên từ danh mục 987 hàng hóa sẽ rút gọn xuống còn 135 hàng hóa. Tổng giá trị xuất khẩu của 135 hàng hóa này năm 2020 là 18,248 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Để có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên trong danh mục 135 hàng hóa này, cần xây dựng trọng số cho từng tiêu chí trong ba tiêu chí kể trên để hình thành giá trị chiến lược (strategic value). Phương án thận trọng dựa vào các năng lực sản xuất hiện tại nhiều hơn, tỷ trọng cho mức độ phức tạp được hạ thấp trong khi phương án đột phá sẽ ưu tiên tạo ra các hàng hóa mới dựa trên năng lực sản xuất mới và hiện đại mà nền kinh tế còn ở khoảng cách xa. Việc lựa chọn rời xa các năng lực sản xuất hiện tại thường đòi hỏi phải có sự hỗ trợ rất lớn từ bên ngoài (gia tăng phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài) và gặp phải nhiều rủi ro hơn. Quá trình chuyển đổi nhanh trong năng lực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như đã phân tích ở trên. Do vậy, không nên lựa chọn phương án đột phá để hạn chế việc quá phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài. Phương án cân bằng là phương án hài hòa của hai phương án thận trọng và đột phá, theo đó nền kinh tế dựa nhiều vào năng lực sản xuất hiện tại và từng bước cải thiện mức độ phức tạp của các hàng hóa dựa trên năng lực sản xuất của mình. Phụ lục 4 trình bày các hàng hóa mà Việt Nam nên ưu tiên sản xuất trong thời gian tới theo phương án cân bằng (do giới hạn về không gian, chỉ 35 hàng hóa đầu tiên được trình bày)[4], [5]

Việc sản xuất các sản phẩm này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ hình thành thêm các năng lực sản xuất mới (trên nền các năng lực sản xuất hiện tại) để có được các sản phẩm có mức độ phức tạp cao hơn, mang lại một danh mục hàng hóa đa dạng hơn, từ đó góp phần giảm biến động kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Điểm quan trọng là phải tích hợp được xu hướng nội địa hóa (hình thành các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực, đủ khả năng cạnh tranh) và xanh hóa (sử dụng đầu vào sạch, ít tác động tới môi trường, có tính tuần hoàn) là hai chiến lược quan trọng đã đề ra ở trên vào sản xuất các hàng hóa này. Tất nhiên, kết quả phân tích định lượng đã chỉ ra việc mở rộng năng lực sản xuất sẽ giúp cho nền kinh tế ứng phó tốt hơn với biến động kinh tế vĩ mô nhưng đổi lại, ảnh hưởng tiêu cực của các cú sốc tới ổn định kinh tế vĩ mô cũng sẽ bị khuếch đại. Cần tiếp tục có các nghiên cứu để xác định các công cụ và cách thức kiểm soát tốt hơn các tác động khuếch đại đó như các chính sách an sinh xã hội, quỹ dự trữ quốc gia, các chính sách ngoại giao kinh tế...

 

 

Tài liệu tham khảo

Ahmed, A. D., & Suardi, S. (2009). Macroeconomic Volatility, Trade and Financial Liberalization in Africa. World Development, 37(10), 1623–1636.

Balavac, M., & Pugh, G. (2016). The link between trade openness, export diversification, institutions and output volatility in transition countries. Economic Systems, 40(2), 273–287.

Beck, T., Lundberg, M., & Majnoni, G. (2006). Financial intermediary development and growth volatility: Do intermediaries dampen or magnify shocks? Journal of International Money and Finance, 25(7), 1146–1167.

Breitenbach, M. C., Chisadza, C., & Clance, M. (2022). The Economic Complexity Index (ECI) and output volatility: High vs. low income countries. Journal of International Trade and Economic Development, 31(4), 566–580.

Chu, L. K. (2021). Economic structure and environmental Kuznets curve hypothesis: new evidence from economic complexity. Applied Economics Letters, 28(7), 612–616.

Chu, L. K., & Hoang, D. P. (2020). How does economic complexity influence income inequality? New evidence from international data. Economic Analysis and Policy, 68, 44–57. https://doi.org/10.1016/j.eap.2020.08.004

Ćorić, B., & Pugh, G. (2013). Foreign direct investment and output growth volatility: A worldwide analysis. International Review of Economics and Finance, 25, 260–271.

da Silva, S. H. R., Tabak, B. M., Cajueiro, D. O., & Fazio, D. M. (2017). Economic growth, volatility and their interaction: What’s the role of finance? Economic Systems, 41(3), 433–444.

Dacin, M. T., Oliver, C., & Roy, J.-P. (2007). The legitimacy of strategic alliances: an institutional perspective. Strategic Management Journal, 28(2), 169–187.

Deephouse, D. L. (1999). To be different, or to be the same? It’s a question (and theory) of strategic balance. Strategic Management Journal, 20(2), 147–166.

di Giovanni, J., & Levchenko, A. A. (2009). Trade openness and volatility. Review of Economics and Statistics, 91(3), 558–585.

Easterly, W., Islam, R., & Stiglitz, J. E. (2000). Explaining Growth Volatility. World Bank WP, (August 1999), 1–24.

Felipe, J., Kumar, U., Abdon, A., & Bacate, M. (2012). Product complexity and economic development. Structural Change and Economic Dynamics, 23(1), 36–68.

Ferrarini, B., & Scaramozzino, P. (2016). Production complexity, adaptability and economic growth. Structural Change and Economic Dynamics, 37, 52–61.

Gnangnon, S. K. (2023). Effect of the duration of membership in the GATT/WTO on economic growth volatility. Structural Change and Economic Dynamics, 65(April), 448–467.

Haltiwanger. J. (2011). Globalization and Economic Volatility. In Bacchetta and Jansen, editors, Making Globalization Socially Sustainable. World Trade Organization/International Labor Organization, 2011.

Hartmann, D., Jara-Figueroa, C., Hidalgo, C. A., Guevara, M. R., & Aristarán, M. (2017). Linking Economic Complexity, Institutions, and Income Inequality. World Development, 93, 75–93.

Hausmann R., Hidalgo C.A., Bustos S., Coscia M., Simoes A., & Yildirim M.A. (2014). The Atlas of Economic Complexity: Mapping Paths to Prosperity. MIT Press.

Hidalgo, C. A., & Hausmann, R. (2009). The building blocks of economic complexity. Proceedings of the National Academy of Sciences, 106(26), 10570–10575.

Imbs, J., & Wacziarg, R. (2003). Stages of Diversification. American Economic Review, 93(1), 63–86.

Joya, O. (2015). Growth and volatility in resource-rich countries: Does diversification help? Structural Change and Economic Dynamics, 35, 38–55.

Koren, M., & Tenreyro, S. (2007). Volatility and Development. The Quarterly Journal of Economics, 122(1), 243–287.

Kraay, A., & Ventura, J. (2007). Comparative Advantage and the Cross-Section of Business Cycles. Journal of the European Economic Association, 5(6), 1300–1333.

Krishna, P., & Levchenko, A. A. (2013). Comparative advantage, complexity, and volatility. Journal of Economic Behavior & Organization, 94, 314–329.

Nguyen, C. P., & Schinckus, C. (2023). How do countries deal with global uncertainty? Domestic ability to absorb shock through the lens of the economic complexity and export diversification. Quality and Quantity, 57(3), 2591–2618.

Payne, J. E., Truong, H. H. D., Chu, L. K., Doğan, B., & Ghosh, S. (2023). The effect of economic complexity and energy security on measures of energy efficiency: Evidence from panel quantile analysis. Energy Policy, 177, 113547.

Williams, A. (2014). The effect of transparency on output volatility. Economics of Governance, 15(2), 101–129.

Yang, G., & Liu, H. (2016). Financial Development, Interest Rate Liberalization, and Macroeconomic Volatility. Emerging Markets Finance and Trade, 52(4), 991–1001.

 

 

 

 

Phụ lục

Phụ lục 1: Danh sách các quốc gia trong mẫu nghiên cứu

 

Thu nhập cao
(44 quốc gia)

Thu nhập trung bình cao
(34 quốc gia)

Thu nhập trung bình thấp
(37 quốc gia)

Thu nhập thấp
(7 quốc gia)

Australia

Albania

Algeria

Burkina Faso

Austria

Armenia

Angola

Congo, Dem. Rep.

Bahrain

Azerbaijan

Bangladesh

Madagascar

Belgium

Belarus

Bolivia

Mali

Canada

Bosnia and Herzegovina

Cambodia

Mozambique

Chile

Botswana

Cameroon

Togo

Croatia

Brazil

Cote d'Ivoire

Uganda

Cyprus

Bulgaria

Egypt, Arab Rep.

 

Czechia

China

Eswatini

 

Denmark

Colombia

Ghana

 

Estonia

Costa Rica

Guinea

 

Finland

Dominican Republic

Honduras

 

France

Ecuador

India

 

Germany

El Salvador

Iran, Islamic Rep.

 

Greece

Gabon

Jordan

 

Hungary

Georgia

Kenya

 

Ireland

Guatemala

Kyrgyz Republic

 

Israel

Indonesia

Lao PDR

 

Italy

Jamaica

Lebanon

 

Japan

Kazakhstan

Mauritania

 

Korea, Rep.

Libya

Mongolia

 

Kuwait

Malaysia

Morocco

 

Latvia

Mauritius

Myanmar

 

Lithuania

Mexico

Nicaragua

 

Netherlands

Moldova

Nigeria

 

New Zealand

Namibia

Pakistan

 

Norway

North Macedonia

Philippines

 

Oman

Paraguay

Senegal

 

Panama

Peru

Sri Lanka

 

Poland

Russian Federation

Tajikistan

 

Portugal

Serbia

Tanzania

 

Qatar

South Africa

Tunisia

 

Romania

Thailand

Ukraine

 

Saudi Arabia

Turkiye

Uzbekistan

 

Singapore

 

Vietnam

 

Slovak Republic

 

Zambia

 

Slovenia

 

Zimbabwe

 

Spain

   

Sweden

   

Switzerland

   

United Arab Emirates

   

United Kingdom

   

United States

   

Uruguay

   

 

 

 

Phụ lục 2: Mô hình ước lượng

 

Mô hình ước lượng tác động của năng lực sản xuất và các cú sốc tới biến động kinh tế vĩ mô có dạng như sau:

GroVolip=α0+α1EcoComip+α2ToTShoip+α3InfShoip+α4GDPCapip+α5TraOpeip+α6BanCreip+α7BanCreip2+δi+εip

Mô hình 1

Trong đó: GroVoliplà mức độ tăng trưởng kinh tế so với biến động kinh tế, EcoComip là mức độ phức tạp kinh tế, ToTShoip là cú sốc tỷ giá thương mại hàng hóa, InfShoip là cú sốc giá cả, GDPCapip là sản lượng bình quân đầu người vào đầu giai đoạn, TraOpeip là độ mở thương mại, BanCreip là tín dụng ngân hàng cho khu vực tư nhân. Chỉ số ip lần lượt chỉ quốc gia và giai đoạn nghiên cứu. δi là ảnh hưởng cụ thể (riêng) của từng quốc gia không quan sát được. εip là phần dư.

Da Silva và cộng sự (2017) đề xuất áp dụng phương pháp chuyển đổi hàm nghịch đảo sine hyperbolic của tỷ số giữa giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người để đo lường mức độ biến động của tốc độ tăng trưởng kinh tế và gọi kết quả là chỉ số Z. Với phương thức tính toán này, Z càng cao thì một quốc gia sẽ đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong khi đối mặt với ít biến động kinh tế hơn. Trong trường hợp giá trị trung bình của tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người bị âm, mức độ biến động thấp hơn (Z thấp hơn) hàm ý rằng cơ hội để một quốc gia chuyển sang đạt mức tăng trưởng dương là thấp.

Biến động tăng trưởng kinh tế, hai cú sốc kinh tế, sản lượng bình quân đầu người, độ mở thương mại và tín dụng ngân hàng được thu thập và tính toán từ dữ liệu World Development Indicators của Ngân hàng thế giới. Chỉ số mức độ phức tạp kinh tế được khai thác từ The Growth Lab at Harvard University. Dữ liệu 122 quốc gia từ năm 1996 đến 2019 được chia thành sáu giai đoạn 1996-1999, 2000-2003, 2004-2007, 2008-2011, 2012-2015 và 2016-2019.

Để đánh giá ảnh hưởng của mức độ phức tạp kinh tế lên mối quan hệ giữa các cú sốc và biến động kinh tế vĩ mô, mô hình 1 được chỉnh sửa bằng cách cho biến EcoComip tương tác với hai biến đại diện cho hai cú sốc ToTShoipInfShoip. Mô hình ước lượng xem xét vai trò điều tiết của mức độ phức tạp kinh tế có dạng như sau:

GroVolip=β0+β1EcoComip+β2ToTShoip+β3InfShoip+β4EcoComip×ToTShoip+β5EcoComip×InfShoip+β6GDPCapip+β7TraOpeip+β8BanCreip+β9BanCreip2+θi+μip

Mô hình 2

Để khắc phục vấn đề nội sinh trong mô hình dữ liệu bảng động, phương pháp ước lượng tổng quát hóa dựa trên moment (system generalized method-of-moments) hay còn gọi là system GMM được sử dụng. Ước lượng system GMM được phát triển bởi Holtz-Eakin và cộng sự (1988), Arellano và Bond (1991), Arellano và Bover (1995) và Blundell và Bond (1998), cho phép ước lượng trường hợp số moment nhiều hơn số tham số bằng cách sử dụng ma trận trọng số của các phương sai và hiệp phương sai.

Phụ lục 3: Kết quả ước lượng

 

Trong trường hợp toàn bộ mẫu, hệ số ước lượng của biến EcoCom có giá trị dương và có ý nghĩa thống kê. Tác động thuận chiều từ biến EcoCom tới GroVol hàm ý rằng nâng cao mức độ phức tạp kinh tế hay năng lực sản xuất giúp một quốc gia hạn chế được biến động kinh tế vĩ mô. Hệ số ước lượng của biến ToTSho InfSho đều có giá trị âm và có ý nghĩa thống kê. Tác động trái chiều từ biến ToTSho InfSho tới GroVol hàm ý rằng hai cú sốc tỷ giá thương mại và giá cả làm gia tăng biến động kinh tế vĩ mô.

 

Mô hình 1

Mô hình 2

 

Toàn bộ mẫu

Quốc gia thu nhập cao và trung bình cao

Quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp

Toàn bộ mẫu

Quốc gia thu nhập cao và trung bình cao

Quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp

Lag. GroVol

0.217***

0.146*

0.304**

0.208**

0.156**

0.304**

 

(0.063)

(0.085)

(0.124)

(0.095)

(0.067)

(0.136)

EcoCom

0.210***

0.212**

-0.166

0.238**

3.122***

0.554*

 

(0.073)

(0.089)

(0.174)

(0.112)

(0.643)

(0.327)

ToTSho

-0.102*

-0.104*

-0.315**

-0.098*

0.269***

-0.481***

 

(0.055)

(0.063)

(0.126)

(0.054)

(0.084)

(0.175)

InfSho

-2.835***

-9.194**

-2.387***

-10.175***

-6.200*

-7.676***

 

(0.626)

(3.807)

(0.779)

(2.271)

(3.559)

(2.180)

EcoCom x ToTSho

   

0.075

-0.249**

-0.298*

   

(0.050)

(0.126)

(0.156)

EcoCom x

InfSho

   

-7.299***

-9.766**

-5.698***

   

(2.226)

(4.740)

(1.980)

GDPcap

-0.341***

-0.558***

-0.509***

-0.365***

-0.529*

-0.621***

 

(0.056)

(0.093)

(0.157)

(0.063)

(0.301)

(0.163)

TraOpe

-0.037

0.125

0.010

0.091

0.286

-0.047

 

(0.085)

(0.220)

(0.153)

(0.088)

(0.569)

(0.134)

BanCre

0.476*

0.871**

2.400*

0.379

-2.429***

2.969**

 

(0.261)

(0.340)

(1.383)

(0.295)

(0.649)

(1.402)

BanCre2

-0.106**

-0.190***

-1.344

-0.085

-0.048

-1.672

 

(0.050)

(0.065)

(1.567)

(0.055)

(0.086)

(1.455)

Constant

3.826***

5.352***

4.377***

3.590***

4.532

5.640***

 

(0.607)

(0.975)

(1.092)

(0.690)

(3.547)

(1.279)

AR(2) p-value

0.307

0.060

0.158

0.284

0.085

0.109

Hansen p-value

0.296

0.366

0.845

0.951

0.942

0.763

Số quan sát

515

327

185

512

327

185

Số quốc gia

122

78

44

122

78

44

Ghi chú: ***, **, * thể hiện ý nghĩa thống kể ở mức 1%, 5%, và 10%.

Tại các quốc gia thu nhập cao và trung bình cao, hệ số ước lượng của biến EcoCom là dương và có ý nghĩa thống kê nhưng tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp thì hệ số ước lượng của biến EcoCom không có nghĩa thống kê. Như vậy, nâng cao mức độ phức tạp kinh tế giúp quốc gia thu nhập cao và trung bình cao hạn chế biến động kinh tế vĩ mô nhưng vai trò tích cực này không phát huy tác dụng tại quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Hệ số ước lượng của biến ToTShoInfSho đều có giá trị âm và có ý nghĩa thống kê trong cả hai nhóm quốc gia. Ảnh hưởng của cú sốc tỷ giá thương mại là lớn hơn tại quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Trong khi đó, ảnh hưởng của cú sốc giá cả là lớn hơn tại quốc gia thu nhập cao và trung bình cao.

Biến tương tác giữa mức độ phức tạp kinh tế và hai cú sốc tỷ giá thương mại và giá cả đều nhận giá trị âm và có ý nghĩa thống kê. Đối với quốc gia thu nhập cao và trung bình cao, khi mức độ phức tạp kinh tế thấp, tác động biên của cú sốc tỷ giá thương mại lên mức độ biến động kinh tế vĩ mô là tích cực, hay nói cách khác nền kinh tế tăng trưởng với mức độ biến động kinh tế thấp hơn. Phần lớn các quốc gia có mức độ phức tạp kinh tế thấp trong nhóm này là các nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ và tài nguyên lớn như Kuwait, Oman, Qatar, Trinidad and Tobago, United Arab Emirates, Bahrain, Saudi Arabia, Australia, New Zealand và Chile. Sự biến động trong tỷ giá thương mại nếu liên quan tới sự tăng giá của các mặt hàng chủ chốt trong cơ cấu kinh tế của các quốc gia này sẽ khuyến khích được hoạt động khai thác và xuất khẩu, tạo ra tăng trưởng kinh tế và hạn chế được biến động kinh tế vĩ mô. Trái lại, khi mức độ phức tạp kinh tế cao, ảnh hưởng biên của cú sốc tỷ giá thương mại lên mức độ biến động kinh tế vĩ mô là không rõ ràng. Các nền kinh tế phát triển với năng lực sản xuất cao trong mẫu như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ… tuy có gặp phải mức độ biến động kinh tế vĩ mô cao hơn nhưng tác động tiêu cực là không rõ ràng, hay nói cách khác, các quốc gia này có khả năng thích ứng tốt hơn với cú sốc tỷ giá thương mại. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia có mức độ phức tạp kinh tế cao không được hưởng lợi từ cú sốc tỷ giá thương mại như các quốc gia có mức độ phức tạp kinh tế thấp hơn, các quốc gia này lại được hưởng lợi từ tác động trực tiếp của mức độ phức tạp kinh tế. Trong khi lợi ích trực tiếp của mức độ phức tạp kinh tế là đáng kể và thường xuyên, lợi ích từ cú sốc tỷ giá thương mại lại chỉ có tính thời điểm. Trong trường hợp cú sốc giá cả, tác động biên của cú sốc giá cả (trực tiếp lẫn được điều tiết bởi mức độ phức tạp kinh tế) tại các quốc gia có mức độ phức tạp kinh tế thấp như Kuwait, Australia, Oman và Qatar (các nước xuất khẩu nhiều tài nguyên thiên nhiên) là tích cực nhưng lại không có ý nghĩa thống kê. Trái lại, ở mức độ phức tạp kinh tế cao hơn, ảnh hưởng khuếch đại của mức độ phức tạp kinh tế là đáng kể và có ý nghĩa thống kê. Mức độ phức tạp kinh tế càng cao thì cú sốc giá cả làm gia tăng biến động kinh tế vĩ mô và mức độ ảnh hưởng lớn hơn xảy ra tại các nước có năng lực sản xuất cao.

Đối với quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp, khi mức độ phức tạp kinh tế ở mức rất thấp, tác động biên của cú sốc tỷ giá thương mại lên biến động kinh tế là tích cực nhưng không có ý nghĩa thống kê. Các quốc gia thuộc nhóm này có thể kể đến như Nigeria, Angola, Mauritania và Guinea với trình độ phát triển kinh tế xã hội thấp. Trái lại, ở các quốc gia có mức độ phức tạp kinh tế cao hơn, mức độ phức tạp kinh tế khuếch đại ảnh hưởng tiêu cực của cú sốc tỷ giá thương mại lên nền kinh tế, làm biến động kinh tế vĩ mô tăng lên. Sự khuếch đại tăng lên cùng với sự gia tăng của mức độ phức tạp kinh tế, đạt mức cao nhất tại các quốc gia như Ấn Độ, Lebanon và Philippines. Trong trường hợp cú sốc giá cả, các quốc gia với mức độ phức tạp kinh tế thấp lại đối mặt với biến động kinh tế vĩ mô thấp hơn do mức độ phức tạp kinh tế thấp không làm lan truyền nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Phần lớn các quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp còn lại với mức độ phức tạp kinh tế cao hơn phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế vĩ mô cao hơn. Tại các quốc gia này, mức độ phức tạp kinh tế khuếch đại ảnh hưởng tiêu cực của cú sốc giá cả, khiến cho nền kinh tế biến động mạnh hơn.

 

Phụ lục 4: Danh mục 35 hàng hóa ưu tiên sản xuất

Ngành

Tên hàng hóa

Mã HS

Giá trị thương mại toàn cầu (USD)

Giá trị xuất khẩu của Việt Nam (USD)

Giá trị chiến lược

Metals

Copper foil < 0.15 mm thick

7410 

$6,66B

3.942.256

1,24

Electronics

Electrical capacitors

8532 

$28,3B

53.509.192

1,17

Machinery

Vacuum vessels

9617 

$2,79B

11.602.210

1,15

Chemicals

Vulcanized rubber thread and cord

4007 

$565M

6.895.123

1,09

Vehicles

Bicycles

8712 

$9,06B

110.726.568

0,96

Electronics

Parts and accessories for video or sound equipment

8522 

$1,57B

24.572.592

0,95

Chemicals

Diazo-, azo-, or azoxy-compounds

2927 

$525M

290.480

0,90

Machinery

Machinery for preparing leather

8453 

$903M

3.555.294

0,88

Agriculture

Other carbon paper

4816 

$524M

339.881

0,86

Machinery

Liquid crystal devices

9013 

$50,9B

792.839.872

0,82

Machinery

Glasses

9004 

$8,82B

11.162.068

0,81

Textiles

Artificial staple fibers, not processed for spinning

5504 

$2,40B

394.538

0,80

Electronics

Electrical machines with individual functions n.e.c.

8543 

$51,1B

508.974.464

0,77

Chemicals

New pneumatic tires of rubber

4011 

$67,6B

1.155.164.032

0,76

Stone

Glass, cast or rolled

7003 

$3,93B

1.589.196

0,74

Machinery

Pumps, compressors, fans, etc.

8414 

$68,8B

581.153.472

0,73

Metals

Scissors

8213 

$863M

10.495.381

0,71

Electronics

Electrical boards

8537 

$63,0B

756.693.696

0,71

Metals

Articles for sewing of iron or steel

7319 

$281M

1.833.108

0,70

Chemicals

Inorganic compounds, liquid or compressed air

2851 

$2,79B

26.346

0,70

Metals

Clasps, buckles etc. of metal

8308 

$3,00B

29.094.080

0,69

Electronics

Electric heaters

8516 

$53,2B

430.367.456

0,69

Machinery

Watch cases and parts

9111 

$866M

5.878.373

0,65

Stone

Grindstones

6804 

$4,37B

10.675.418

0,65

Machinery

Cigarette lighters

9613 

$1,72B

26.276.580

0,65

Chemicals

Polycarboxylic acids

2917 

$10,9B

27.637.944

0,64

Electronics

Parts for use with electric generators

8503 

$16,9B

102.477.880

0,63

Textiles

Quilted textile products

5811 

$195M

1.464.348

0,62

Agriculture

Carbon paper

4809 

$763M

1.215.819

0,62

Machinery

Computers

8471 

$292B

5.009.531.392

0,62

Electronics

Electrical resistors

8533 

$10,5B

60.225.508

0,60

Chemicals

Rubber hygenic or pharmeceutical items

4014 

$1,54B

8.103.450

0,59

Machinery

Refrigerators, freezers

8418 

$46,1B

289.318.656

0,59

Machinery

Brooms and mops

9603 

$10,2B

161.592.192

0,58

Electronics

Electrical apparatus for < 1k volts

8536 

$89,6B

1.064.540.928

0,58

 

Phụ lục 5: Mối quan hệ giữa lá đồng với các hàng hóa tương đồng
về năng lực sản xuất

 

Trong Phụ lục 4, hàng hóa được đề nghị sản xuất với thứ tự ưu tiên cao nhất là lá đồng - mã HS 7410 (Copper foil < 0.15 mm thick). Đây là lớp chất nền bằng phoi cuộn bằng đồng mềm và khả năng dẫn điện rất tốt. Loại hàng hóa này được sử dụng nhiều trong sản xuất đồ điện tử, với giá trị xuất khẩu toàn cầu lên tới 9,18 tỷ USD năm 2021 (tăng 37,8% so với năm 2020). Ngoài ra, các năng lực sản xuất lá đồng còn xuất hiện ở các hàng hóa khác như vách kính, gương và kính (dùng cho sản xuất màn hình các thiết bị điện tử), dao, hóa chất trong điện tử và đồng hồ. Tại Việt Nam, hàng hóa này chỉ có giá trị xuất khẩu 4,89 triệu USD năm 2021 (tăng 24,1% so với năm 2020, thấp hơn mức tăng toàn cầu). Hình dưới đây trình bày mối quan hệ giữa lá đồng với các hàng hóa khác. Phía bên tay phải của hình trình bày mối quan hệ trong không gian hàng hóa của lá đồng với vách kích, gương và kính và bảng mạch điện tử trong danh mục hàng hóa xuất khẩu và của ba hàng hóa này với các hàng hóa có mức độ liên quan cao của Việt Nam năm 2021. Điểm quan trọng cần khai thác phát triển là trong quá trình tăng sản lượng lá đồng, cần hình thành các doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng hóa này, sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn và kiểm soát các chất thải ra môi trường. Xa hơn là hướng tới phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin, vốn đang rất tiềm năng khi ngành công nghiệp ô tô điện là một xu thế phát triển mới trên thế giới.  

Lá đồng

 

Gương và kính

Thiết bị máy móc văn phòng

Thiết bị ghi âm và hình

Thiết bị bán dẫn

Vi mạch

Linh kiện điện

Thiết bị phát sóng

Máy tính

Thiết bị âm thanh trống

Hóa chất trong điện tử

Máy in công nghiệp

Dao

Đồng hồ để bàn và đeo tay (khác)

Vách kính

Gương và kính

Bảng mạch điện tử

Lá đồng <0.15 mm

Vách kính

Bảng mạch điện tử

 

 

 

 

Thông tin tác giả

Tên: Chu Khánh Lân

Học vị: Tiến sĩ

Học hàm: Phó Giáo sư

Đơn vị công tác: Học viện Ngân hàng

 

[1] Xem phụ lục 1. Danh mục các quốc gia trong mẫu nghiên cứu.

[2] Xem phụ lục 2. Mô hình ước lượng.

[3] Xem phụ lục 3. Kết quả ước lượng.

[4] Xem Phụ lục 4. Danh mục 35 hàng hóa ưu tiên sản xuất.

[5] Xem phụ lục 5. Mối quan hệ giữa lá đồng với các hàng hóa tương đồng về năng lực sản xuất.