Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi thông dòng vốn đầu tư công, tạo động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là từ khi bắt đầu mở cửa. Tuy nhiên, quá trình giải ngân vốn đầu tư công vẫn là bài toán nan giải cho đến hiện tại. Bài viết này tập trung vào những thực trạng và khó khăn của giải ngân vốn đầu tư công trong quy trình phát triển kinh tế đất nước. Nhóm tác giả cũng đưa ra các giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư công để nhanh chóng hòa vào dòng chảy của nền kinh tế, tạo động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững.  

 

GS.TS Phạm Hồng Chương

GS.TS. Tô Trung Thành

TS. Lê Thanh Hà

(ĐH Kinh tế Quốc dân)

 

TÓM TẮT

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là từ khi bắt đầu mở cửa. Tuy nhiên, quá trình giải ngân vốn đầu tư công vẫn là bài toán nan giải cho đến hiện tại. Bài viết này tập trung vào những thực trạng và khó khăn của giải ngân vốn đầu tư công trong quy trình phát triển kinh tế đất nước. Nhóm tác giả cũng đưa ra các giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư công để nhanh chóng hòa vào dòng chảy của nền kinh tế, tạo động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững.  

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột chiến sự Nga - Ukraine có xu hướng phức tạp và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại là 12,25 tỷ đô la. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1% do nhu cầu yếu; nhập khẩu giảm 18,2% phản ánh sự sụt giảm trong nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất và xuất khẩu chưa thể hồi phục hoàn toàn trong những tháng tới. Ảnh hưởng dai dẳng từ đại dịch Covid-19, thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ và khí đốt do căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, tỉ lệ lạm phát tăng cao, khó khăn kinh tế,… khiến một số nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU đã giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng suy giảm (Linh, 2023). Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý 2/2023 so với quý 1/2023, có 18,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; nhưng có tới 38,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Việt Nam được nhận xét là nền kinh tế có xu hướng dựa vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Kể từ tháng 03/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục giảm từ 9,2% so với cùng kỳ trong tháng 4 năm 2023 xuống 9% so với cùng kỳ trong tháng 5, mức thấp nhất trong những năm gần đây. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng thấp do các hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy yếu. Như vậy, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát, Việt Nam cần xây dựng chính sách tài khoá nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các Chương trình mục tiêu quốc gia) trong giai đoạn hiênu nay sẽ giúp phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Xuất phát từ thực tế trên, bài viết nêu ra thực trạng cùng những khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công, từ đó đề ra những biện pháp nhằm sớm đưa dòng vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế, từ đó kích thích tổng cầu, tạo động lực tăng trưởng và phát triển bền vững.

2. THỰC TRẠNG GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Khái niệm đầu tư công được quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật đầu tư công năm 2019: “Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này". Vũ Tuấn Anh (2010) đã định nghĩa đầu tư công (hay đầu tư của Nhà nước) bao gồm tất cả các khoản đầu tư tự do chính phủ và các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước tiến hành. Các khoản đầu tư này có thể bao gồm: đầu tư từ ngân sách (phân cho các Bộ ngành Trung ương, và phân cho các địa phương), đầu tư theo các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, tín dụng đầu tư (vốn cho vay) có mức độ ưu đãi nhất định và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước. Ở Việt Nam, đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong tổng số đầu tư xã hội, trong đó, tăng cường đầu tư công hỗ trợ kích cầu trong ngắn hạn.

Theo Công văn số 9348/BTC-ĐT về Tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng, ước thực hiện 8 tháng kế hoạch năm 2023, ước thanh toán từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8/2023 là 299.447,3 tỷ đồng, đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 292.186,9 tỷ đồng, đạt trên 43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 39,15%), vốn nước ngoài là 7.260,5 tỷ đồng, đạt 25,95% kế hoạch.

Trong đó, có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%, có thể kể đến: Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển (100%), tỉnh Tiền Giang (62,12%), tỉnh Long An (66,18%) và tỉnh Đồng Tháp (66,94%). Tuy nhiên, vẫn còn 41 Bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn. Trong đó có 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25% kế hoạch vốn. Cũng theo Công văn số 9348/BTC-ĐT, đến nay, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã đề nghị cắt giảm kế hoạch năm 2023. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm 9.355,71 tỷ đồng.

Trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc theo báo cáo 8 tháng của các bộ, cơ quan trung ương, tồn tại một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm, cụ thể là:

Thứ nhất, việc đấu giá đất còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, dẫn tới chậm giải ngân cho dự án/vướng mắc khi thực hiện giải phóng mặt bằng do thiếu quỹ đất thực hiện dự án.

Nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất luôn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước và giữ vai trò quan trọng trong tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, pháp luật đã có khung pháp lý về đấu giá quyền sử dụng đất công, được quy định chủ yếu tại Luật Đấu giá tài sản 2016, Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP. Từ thực tiễn, một số bất cập của các quy định pháp luật hiện hành về đấu giá quyền sử dụng đất công có thể kể đến như sau:

  1. Luật chưa có quy định về dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường, đẩy giá chênh lệch quá cao so với giá khởi điểm và giá thị trường. Mặc dù Luật Đấu giá tài sản 2016 có quy định về dừng cuộc đấu giá nhưng đa số tập trung vào hành vi “dìm giá” hoặc “làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá”, còn với hành vi “đẩy giá” chỉ được đề cập chung chung trong “hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực của cuộc đấu giá” tại Điều 62.1 của Luật Đấu giá tài sản 2016. Đất đai là tài sản có giá trị lớn và có tác động lớn đến kinh tế – xã hội. Vì vậy, việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao so với giá trị thị trường rồi sau đó bỏ cọc, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án.
  2. Năng lực thực hiện kết quả đấu giá của người tham gia đấu giá chưa được quy định cụ thể. Luật Đấu giá tài sản 2016 chỉ quy định chung rằng người tham gia đấu giá là cá nhân, tổ chức phải có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Pháp luật hiện hành cũng đã đặt ra các yêu cầu và điều kiện nhất định mà tổ chức, cá nhân phải đáp ứng khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Các điều kiện này là cần thiết để người tham gia đấu giá tài sản khi trúng đấu giá sẽ có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án theo kế hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, và xác thực năng lực tài chính của các bên tham gia đấu giá, pháp luật phải có cơ chế xác minh, theo đó các tài liệu, hồ sơ hợp lệ về năng lực tài chính của bên tham gia đấu giá cần được quy định rõ ràng và được cung cấp theo yêu cầu của bên tổ chức đấu giá. Ngoài ra, người tham gia đấu giá cần phải có uy tín, kinh nghiệm, năng lực thực hiện dự án thông qua các dự án đã được thực hiện trên thực tế. Điều này có thể hạn chế được trường hợp người trúng đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dự án để hưởng lợi ích chênh lệch mà không nhằm mục đích phát triển, thực hiện dự án theo kế hoạch và nhu cầu đấu giá quyền sử dụng đất.
  3. Quy định xử lý với người trúng đấu giá yêu cầu hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất chưa đầy đủ và nghiêm khắc. Theo quy định của pháp luật hiện nay, trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì Ủy ban nhân dân có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, và người trúng đấu giá mất khoản tiền đặt trước theo Luật Đấu giá tài sản 2016, theo đó khoản tiền này được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản. Tuy nhiên, các quy định nêu trên còn chưa phù hợp so với những hậu quả kinh tế, xã hội mà các doanh nghiệp, thị trường bất động sản phải gánh chịu. Mặc dù khoản tiền đặt trước của các bên trúng đấu giá này thuộc về ngân sách nhà nước, tuy nhiên, những hệ lụy để lại là vô cùng lớn.

Mặt khác, liên quan đến lĩnh vực đất đai, công tác đền bù để giải phóng mặt bằng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc không có sẵn quỹ đất tại địa phương để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng tới tiến độ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và làm chậm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất sẽ được Nhà nước bồi thường khi đáp ứng được các điều kiện được quy định tại điều 75 của luật này. Theo đó, nguyên tắc bồi thường đặt pháp luật quy định là bồi thường bằng đất có cùng mục đích với loại đất bị thu hồi hoặc nếu không có quỹ đất cùng mục đích để giao cho người sử dụng đất thì Nhà nước sẽ đền bù bằng tiền theo giá đất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm có quyết định thu hồi.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức giá đất theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố ban hành tại thời điểm thu hồi đất thường thấp hơn rất nhiều so với giá đất thực tế mà các bên giao dịch với nhau trên thị trường, dẫn đến việc người bị thu hồi đất khó khôi phục lại được tình trạng về tài sản và tình hình sản xuất kinh doanh sau khi bị thu hồi đất. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Dự thảo: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường”. Như vậy về mặt nguyên tắc khi Nhà nước thu hồi đất thì công trình xây dựng trên đất thuộc sở hữu hợp pháp gắn liền với đất thì sẽ được bồi thường. Việc xác định mức bồi thường được quy định tại Điều 107 Dự thảo (Điều 89 LĐĐ 2013). Tuy nhiên, qua thực tế đơn giá nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ thường thấp hơn rất nhiều so với số tiền thực tế mà người bị thu hồi đất bỏ ra để xây dựng nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc mới có diện tích, mục đích, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự, nhất là trong điều kiện nền kinh tế bị lạm phát. Trong khi quyết định về việc ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn các tỉnh thì có nơi vẫn chưa hoặc chậm điều chỉnh đơn giá xây dựng theo thời điểm bồi thường. Mặt khác, từ việc định giá tài sản không phù hợp, kéo theo việc bồi thường hỗ trợ di chuyển cũng không hợp lý.

Mặt khác, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 26 Nghị định 47/2014/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể về lập và thực hiện dự án tái định cư theo hướng: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất; quy định khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền; quy định việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các địa phương đều không có sẵn nguồn nhà đất tại chỗ để phục vụ tái định cư mà phải bố trí các khu tái định cư ở những địa phương xa, gây xáo trộn trong hoạt động đời sống sản xuất của người dân.

Thứ hai, vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu, các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; gia hạn Hiệp định ODA, các dự án sử dụng vốn ODA thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu, đều phải có thư không phản đối của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.

Một số dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn. Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có chiều dài hơn 720km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập với 25 gói thầu xây lắp. Sau khi khởi công đồng loạt 14 gói thầu đầu tiên vào ngày 1-1-2023, các gói thầu tiếp theo cũng lần lượt được khởi công và trên toàn tuyến đang nỗ lực triển khai thi công. Theo Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu năm 2023 toàn bộ 12 dự án thành phần này sẽ hoàn thành 35% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% (theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%).

Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền không chỉ xảy ra đối với các dự án cao tốc, dự án trọng điểm quốc gia mà còn ở các dự án xây dựng do địa phương làm chủ đầu tư. Từ đầu năm tới nay, loạt dự án cao tốc, vành đai khác như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Vành đai 3 - TP.HCM… cùng được khởi công. Dù đã bố trí vốn, lựa chọn được nhà thầu nhưng tiến độ thi công chưa thể như kỳ vọng vì thiếu vật liệu đắp nền.

Ngày 20/6/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4776/BTNMT-KSVN gửi 37 địa phương hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Tuy vậy, một số chủ đầu tư, nhà thầu, việc giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đắp nền vẫn mất nhiều thời gian. Việc giao mỏ cho các nhà thầu để khai thác phục vụ dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù là chưa có tiền lệ, với rất nhiều thủ tục phức tạp. Hiện nay, công tác xác định giá cát khai thác còn khó khăn do chưa có hướng dẫn, chưa có định mức.

Quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định pháp luật còn phức tạp. Thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn, đàm phán, ký kết Hiệp định vay còn mất nhiều thời gian. Việc chưa thống nhất giữa chủ dự án và nhà thầu về những khác biệt trong cách hiểu tại một số điều khoản hợp đồng… cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các chương trình, dự án. Cụ thể, với Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (quy mô 500 giường), đề nghị cắt giảm 359,635 tỉ đồng dự kiến bố trí năm 2023. Nguyên nhân là thời gian hiệu lực của Hiệp định vay vốn của dự án đã hết hiệu lực, thủ tục gia hạn chưa thể hoàn thành và không thể giải ngân vốn ODA dự kiến bố trí cho dự án trong năm 2023.

Thứ ba, một số dự án (di tích, y tế) chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành, chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu.

Tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, đặc biệt đối với nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang 2023, đi liền với nhiệm vụ hoàn thành giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện đang là vấn đề nan giải đối với ngành y tế. Tại tỉnh Quảng Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế chỉ mới thực hiện giải ngân được hơn 1% tổng vốn đầu tư công. Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và phân bổ dự toán sửa chữa cho 88 hạng mục công trình của 30 đơn vị. Riêng năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt 9 hạng mục của 9 đơn vị, dự toán hơn 43,7 tỷ đồng theo Quyết định số 3371 ngày 9/12/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Tuy nhiên, về tiến độ thực hiện đến hết quý II/2023, mới chỉ có 14 hạng mục, công trình quyết toán hoàn thành.

Bên cạnh việc chậm giải ngân các dự án quy mô cấp tỉnh, hàng loạt dự án trọng điểm cấp quốc gia của Bộ Y tế cũng chưa thể đưa vào hoạt động do chưa hoàn tất thủ tục thanh toán. Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 được Bộ Y tế phê duyệt đầu tư năm 2014. Bệnh viện Bạch Mai 2 có tổng đầu tư 4.990 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 4.500 tỷ đồng. Khối lượng thi công dự án ước đạt 98% gá trị hợp đồng; giải ngân đạt 57%. Tổng thiết bị y tế đã mua 51 tỷ đồng nhưng đến nay chưa lắp đặt. Bệnh viện Việt Đức 2 có tổng đầu tư 4.968 tỷ đồng, thi công đạt 86%; chưa mua sắm thiết bị y tế. Hai dự án dừng thi công từ cuối năm 2020 do chưa được tiếp tục gia hạn thực hiện. Nguyên nhân chậm tiến độ và không thể tiếp tục giải ngân đầu tư công của Dự án là do trong quá trình xây dựng (do yêu cầu sử dụng của Bệnh viện), chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án trọng điểm của Bộ Y tế) đã điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế cơ sở phần kiến trúc, dẫn đến phải thay đổi các hạng mục công trình, giá trị tăng quá nhiều so với dự toán ban đầu. Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh nhưng không có thiết kế chi tiết, không có khối lượng, đơn giá cụ thể, nếu thanh toán theo hợp đồng sẽ có khả năng vượt giá trúng thầu. Điều này không đúng quy định tại Luật Đấu thầu là giá hợp đồng không được vượt giá trúng thầu. Nguyên nhân xuất phát từ những yếu kém và sai sót khi lập dự án, tư vấn, thẩm định, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, kí kết hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện. Dự án càng kéo dài càng gây lãng phí và khó giải quyết. Do vậy, cần dứt khoát tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án để đưa vào hoạt động.

3. GIẢI PHÁP NHẰM THÁO GỠ VƯỚNG MẮC KHI GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Thứ nhất, trước tình hình việc đấu giá đất còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, dẫn tới chậm giải ngân cho dự án/ vướng mắc khi thực hiện giải phóng mặt bằng do thiếu quỹ đất thực hiện dự án,… bài viết đề xuất một số giải pháp như sau sau:

Về vấn đề đấu thầu quyền sử dụng đất công, Chính phủ cần quy định chặt chẽ các tiêu chuẩn và điều kiện đối với năng lực thực hiện dự án của người tham gia đấu giá, bao gồm năng lực tài chính, khả năng thực hiện, uy tín, kinh nghiệm, kế hoạch/phương án khi trúng đấu giá. Khi xác định điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lưu ý áp dụng các quy định pháp luật có liên quan một cách toàn diện, như Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để có thể xác định người tham gia phù hợp và đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Ngoài ra, cần quy định thêm chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi người trúng đấu giá nâng giá cao bất thường, sau đó không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, dẫn đến  hủy kết quả đấu giá. Việc tổ chức đấu giá QSDĐ tốn nhiều thời gian, chi phí của các bên, trong đó có cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc khiến cơ quan nhà nước phải thực hiện việc đấu giá lại, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có khả năng trúng đấu giá, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản

Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, cần có sự điều chỉnh bảng giá đất tỉnh theo từng năm. Theo quy định Luật Đất đai 2013 hiện hành thì bảng giá đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ. Nên điều chỉnh bảng giá đất theo từng năm hoặc điều chỉnh hệ số để việc xác định bảng giá đất được theo sát giá trị thị trường. Khoảng thời gian là 5 năm mới thực hiện điều chỉnh là một khoảng cách quá dài và không phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường. Mặt khác, cần quy định cụ thể về áp dụng phương pháp định giá đất trong quá trình xác định giá đất cụ thể, thống nhất kết quả tư vấn xác định giá đất cụ thể từ tổ chức tư vấn độc lập. Theo tiêu chuẩn thẩm định giá hiện nay (Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11), để đảm bảo tính chính xác của giá đất được quyết định, khi tiến hành thẩm định giá đất, xây dựng phương án giá đất thì chủ thể thẩm định giá phải áp dụng ít nhất hai phương pháp định giá đất để kiểm tra, so sánh, đối chiếu. Trường hợp áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất trong xác định giá đất cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chỉ nên được áp dụng khi thu hồi đất mà trong phạm vi dự án thu hồi chỉ gồm những thửa đất liền kề, có cùng mục đích sử dụng, cùng khả năng sinh lợi và thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự nhau. Đồng thời, xây dựng cụ thể các tiêu chí để đánh giá thế nào là khả năng sinh lợi và thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự nhau. Thống nhất quy định về kết quả tư vấn xác định giá đất khi thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thực hiện xây dựng phương án giá đất. Đồng thời, Chính phủ cần hoàn thiện việc ban hành đơn giá bồi thường nhà ở, vật kiến trúc, công trình xây dựng khi nhà nhà nước thu hồi đất. Đơn giá xây dựng được áp giá khi bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất được xác định trên cơ sở định mức xây dựng, giá vật tư, vật liệu, cấu kiện xây dựng, giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công và các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình tại thời điểm xác định và các quy định khác có liên quan hoặc theo đơn giá xây dựng công trình do UBND cấp tỉnh công bố hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện. Quyết định về việc ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trị khi nhà nước thu hồi đất trên địa bản các tỉnh thì do UBND cấp tỉnh công bố làm cơ sở để xác định trong công tác bồi thường.

Thứ hai, trước thực trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng, quá trình phê duyệt và cấp phép cho các mỏ cát đã được đấu giá quyền khai thác đang diễn ra khá chậm chạp do phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư của các dự án cao tốc.

Dưới đây là các biện pháp cụ thể làm cho quy trình thực hiện hiệu quả hơn. Phối hợp và đẩy nhanh quy trình xử lý hồ sơ và cấp phép: Các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, và các đơn vị liên quan cần tăng cường sự phối hợp và thực hiện nhanh chóng các bước xử lý hồ sơ và cấp phép theo quy định của pháp luật. Thẩm định và phê duyệt cần được tiến hành một cách kịp thời để đưa các mỏ cát đã đấu giá vào hoạt động khai thác; Tối ưu hóa quy trình thẩm định và cấp phép: Sở Tài nguyên và Môi trường cần đẩy nhanh việc thẩm định và cấp phép, tuân thủ quy trình một cách nhanh nhất có thể. Điều này bao gồm việc ưu tiên giải quyết thủ tục hồ sơ đối với các dự án điều chỉnh giấy phép nâng công suất khai thác khoáng sản; Hỗ trợ doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần được hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư nâng công suất khai thác các mỏ cát, cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tiến hành thẩm định nhanh chóng và cung cấp ý kiến cho các dự án điều chỉnh giấy phép nâng công suất khai thác; Rút ngắn thời gian thực hiện: Một trong những biện pháp quan trọng là rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan. Điều này cần được thực hiện mà không vi phạm quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của các dự án đường bộ cao tốc.

Thứ ba, hoạt động đấu thầu cũng là một khâu phức tạp, tốn nhiều thời gian, làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công và khiến việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước chưa đạt được hiệu quả như kì vọng. Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi). Luật mới bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu. Luật Đấu thầu được sửa đổi nhằm mục tiêu tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn Nhà nước; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Đồng thời, Luật cũng xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cùng với đó, Luật cũng ban hành nhiều quy định mới nhằm tối đa hóa việc thực hiện thủ tục đấu thầu trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia để rút ngắn thời gian; cắt giảm nhiều thủ tục cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng thực hiện trước đó nhằm tiết kiệm thời gian đấu thầu,… Việc thực hiện hiệu quả các quy định của Luật sẽ giúp đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công, giúp nguồn vốn này phát huy được vai trò trong việc phát triển kinh tế, xã hội.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Để các quy định tại Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn, trước hết các văn bản hướng dẫn những nội dung giao Chính phủ quy định tại Luật cần ban hành kịp thời, có chất lượng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng cần xây dựng, ban hành kịp thời các thông tư, văn bản hướng dẫn cần thiết trong lĩnh vực mình. Đặc biệt các bộ, ngành khi xây dựng thông tư cần giữ đúng tinh thần của Luật, vì lợi ích chung, không được xảy ra tình trạng Luật, Nghị định thông thoáng nhưng lại cài cắm quy định, điều kiện tại Thông tư.

Đối với các bên tham gia hoạt động đấu thầu, một số giải pháp cụ thể có thể kể đến như sau. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, đơn vị cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu, các tổ chức tư vấn đấu thầu, các cơ quan báo chí, truyền thông,...; Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, tập trung vào các lĩnh vực, lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra vi phạm như xây dựng, mua sắm công, cung cấp dịch vụ tư vấn; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đấu thầu, phục vụ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu, đánh giá hoạt động đấu thầu. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu thầu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị cần: Nắm vững các quy định của Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, thực hiện đúng quy trình, thủ tục đấu thầu; Tăng cường sự tham gia của các nhà thầu trong quá trình đấu thầu, đặc biệt là các nhà thầu nhỏ, yếu, nhà thầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà thầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, nhà thầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam trong nước, nhà thầu sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; Tăng cường ứng dụng thông tin trong đấu thầu.

Đối với các nhà thầu, đơn vị cần: Nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, chuẩn bị hồ sơ dự thầu đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; Tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng; Tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu để nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Anh, V. T. (2010). Tóm tắt về tình hình của đầu tư công trong mười năm qua. Org.Vn. http://vnep.ciem.org.vn/Upload/Hoi%20thao%20Quoc%20hoi%2028.12.2010-VTA-Tinh%20hinh%20dau%20tu%20cong.pdf

Bình H. (2023). Đẩy mạnh đầu tư công – Cơ hội của những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. BizLIVE.vn - Nhịp sống doanh nghiệp. https://nhipsongkinhdoanh.vn/day-manh-dau-tu-cong-co-hoi-cua-nhung-doanh-nghiep-xay-dung-ha-tang-giao-thong-post3108370.html

Chinh, N. T. (2017). Quan hệ giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân trong phát triển kinh tế ở Việt Nam. Gov.Vn. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM153222

Công văn số 9348/BTC-ĐT của Bộ Tài chính: V/v Tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng, ước thực hiện 8 tháng kế hoạch năm 2023. (2023). Chinhphu.Vn. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=208596

Linh, D. H., Quỳnh, N. T. (2018). Tác động của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế - Cơ sở lý thuyết và vận dụng ở Việt Nam. Gov.Vn. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM153147

Dương, N. V. (2023). Đầu tư công là gì? Vai trò của đầu tư công đối với nền kinh tế? luatduonggia.vn. https://luatduonggia.vn/dau-tu-cong-la-gi-vai-tro-cua-dau-tu-cong-doi-voi-nen-kinh-te-viet-nam/

Linh, N. (2023). Giá hàng hóa đi xuống kéo giảm kim ngạch xuất khẩu. Gov.Vn. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM276173

Luat, D. G., Cuong, D. V., & Tung, B. D. (2016). Enhancing quality and efficiency of public investment in Vietnam up to 2020. Journal of Economic Development23(1), 02–24. https://doi.org/10.24311/jed/2016.23.1.01

Luật số 39/2019/QH14 của Quốc hội: Luật đầu tư công. (2019). Chinhphu.Vn. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=197308

Nguyen, C. T., & Trinh, L. T. (2018). The impacts of public investment on private investment and economic growth: Evidence from Vietnam. Journal of Asian Business and Economic Studies25(1), 15–32. https://doi.org/10.1108/jabes-04-2018-0003

Nhi T. (2023). Chính sách tiền tệ đang đối nghịch với chính sách tài khóa. congly.vn. https://congly.vn/chinh-sach-tien-te-dang-doi-nghich-voi-chinh-sach-tai-khoa-387226.html

Quyết định số 765/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực Nội vụ. (2022). Chinhphu.Vn. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205998

Thư, T. N. N. A., Phong, L. H. (2014). Tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam: Góc nhìn thực nghiệm từ mô hình ARDL. Edu.Vn. https://www.uef.edu.vn/newsimg/tap-chi-uef/2014-11-12-19/1.pdf

Tú, A. (2023). 7 kiến nghị “kích” tổng cầu tạo điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế. VnEconomy. https://vneconomy.vn/7-kien-nghi-kich-tong-cau-tao-diem-tua-cho-tang-truong-kinh-te.htm?fbclid=IwAR2oE3aJM0qvTM8MA7FpG0JCCE685IJG2RvblY7SZ8DqtZL9Vskvc9Rs9vY

Văn, H. (2023). Thủ tướng: Đầu tư công kích hoạt các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/thu-tuong-dau-tu-cong-kich-hoat-cac-hoat-dong-kinh-te-thuc-day-phat-trien-tao-viec-lam-sinh-ke-cho-nguoi-dan-102230412101145481.htm

World Bank. (2023). Global Economic Prospects. Worldbank.org. https://openknowledge.worldbank.org/server/api/core/bitstreams/6e892b75-2594-4901-a036-46d0dec1e753/content