A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chính sách nhằm khai thác năng lực nội sinh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Để tăng cường năng lực nội sinh phải kiến tạo các động lực thúc đẩy việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế, hệ thống quản trị công; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và nhất là xây dựng lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt lớn mạnh; khẳng định vai trò chủ đạo trong quá trình xây dụng nền kinh tế độc lập tự chủ.

 

                                                  TS. Trần Du Lịch

                                                  Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII

       Trước hết tôi cho rằng việc lựa chọn nội dung “ Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” làm chủ đề cho Diễn đàn kinh tế-xã hội năm 2023 là rất phù hợp với tình hình quốc tế và bối cảnh kinh tế-xã hội của nước ta, nhất là năm 2023- năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025.Đây là bài toán lớn vừa cấp thiết cho các năm còn lại của  kế hoạch 5 năm 2021-2025 vừa căn cơ cho các năm tiếp theo, nhất là giai đoạn 2026-2035.

      Năng lực nội sinh  được hình thành từ nhiều nhân tố như tài nguyên tự nhiên gắn với lợi thế về địa- kinh tế; nguồn nhân lực; yếu tố lịch sử- văn hóa-dân tộc... nhưng quan trọng hơn là hệ thống thể chế khả dĩ khai thác hiệu quả nhất các nhân tố trên thông qua các chính sách trong từng giai đoạn phát triển gắn với xu hướng phát triển của thời đại.Đường lối CNH-HĐH của nước ta từ đầu thập niên 1990 đến nay vẫn kiên trì theo quan điểm chiến lược là :  dựa vào nguồn lực trong nước là chính và tranh thủ có hiệu quả nguồn lực bên ngoài đồng thời “ chủ động và tích cực hội nhập” với kinh tế thế giới.  Do đó, để tăng cường năng lực nội sinh phải kiến tạo các động lực thúc đẩy việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế, hệ thống quản trị công; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và nhất là xây dựng lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt lớn mạnh; khẳng định vai trò chủ đạo trong quá trình xây dụng nền kinh tế độc lập tự chủ.

      Từ cách nhìn nhận vấn đề như trên, tham luận của tôi sẽ tập trung vào 2 nhóm nội dung :

  • Những thách thức và vấn đề đang đặt ra.
  • Kiến nghị chính sách nhằm tăng cường năng lực nội sinh.

I.Những thách thức và cơ hội  trong bối cảnh hội nhập quốc tế:

   1.1.  Bối cảnh quốc tế mở ra cơ hội, nhưng trước mắt đang đối diện với nhiều thách thức:

       + Thế giới tiếp tục có những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp và khó lường, và có những rủi ro ngày càng khó đoán định. Cho tới năm 2030, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững vẫn là những xu thế bao trùm trên thế giới. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là những nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống xã hội. Xu thế đô thị hóa tiếp diễn và xu thế phát triển đô thị thông minh ngày càng nổi trội. Sản xuất thông minh sẽ từng bước chiếm ưu thế với các mô hình nhà máy thông minh, tự động hóa; robot, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, in 3D,… sẽ thâm nhập vào mọi mặt của đời sống xã hội và thay thế một bộ phận lớn lao động phổ thông.

    +Thế giới sẽ còn gặp nhiều thách thức dưới tác động của hệ lụy từ đại dịch COVID-19, sự phục hồi không đồng đều và không bền vững của các nền kinh tế, và sự cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các cường quốc. Các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục đặt ra các thách thức lớn chưa từng có đối với phát triển bền vững. Các nhân tố gây mất ổn định vẫn tiềm ẩn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - nơi được xem là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của thế giới - do cạnh tranh chiến lược của các cường quốc và tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên. Biến chuyển khó lường cùng rủi ro khó đoán định của thế giới cũng đi kèm với cơ hội để có bước phát triển mới. Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội còn phụ thuộc vào năng lực xây dựng và thực thi chính sách ở mỗi quốc gia.

   1.2. Bối cảnh trong nước:tích lũy nhiều khó khăn và  còn nhiều bất cập trong quản lý kinh tế.

       +Đất nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong giai đoạn vừa qua là tiền đề rất quan trọng để đất nước ta tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế và hầu hết các lĩnh vực khác như quản lý phát triển xã hội, khai thác tài nguyên, xử lý ô nhiễm môi trường... còn nhiều hạn chế, yếu kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc cải thiện các yếu tố nền tảng như thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học và công nghệ... để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho quá trình phát triển và mục tiêu vươn lên trong cạnh tranh quốc tế là cấp bách và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc. Nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia đòi hỏi các giải pháp phù hợp trong bối cảnh mới với các yếu tố an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... diễn biến khó lường.

     +Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định phải “đổi mới tư duy phát triển” với các đột phá chiến lược về hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, đổi mới quản trị quốc gia; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng số. Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai và từng bước đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế ta.Tuy nhiên, cho đến nay chủ trương đến hiện thực còn khảng cách rất lớn.

     +Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Cụ thể: (1) Hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) Xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; (3) Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; (4) Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải; (5) Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; (6) Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Việc triển khai 5 chương trình này sẽ nâng cao năng lực nội sinh, nhưng vẫn còn thiếu vắng những chính sách và giải pháp thực thi đồng bộ.

    + Để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chúng ta phải chuyển nền kinh tế từ quan hệ mang tính lệ thuộc vào đối tác sang quan hệ tương thuộc, tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ toàn cầu; xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt làm chủ thị trường trong nước và vươn tầm cạnh tranh ra thế giới.Đến cuối năm 2022, việt nam có khoảng 860.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiêp và có khoảng 5,2 triệu hộ sản xuất kinh donh phi nông nghiệp. Với mưc bình quân khoảng 115 người dân/ 1 doanh nghiệp. Tỷ lệ trên khá thấp so với mức bình quân  80-90 người dân/ DN ở các nước Asean, nhưng phần lớn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

   1.3. Những bất cập của mô hình quản lý kinh tế theo hành chính cấp tỉnh và những di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung- nền hành chính “công vụ lồng ghép” dẫn đến cơ chế xin-cho.

     Hệ thống thể chế Việt Nam được thiết kế với tư duy phát triển kinh tế theo địa giới hành chính (các địa phương) với tầm nhìn của từng ngành. Các quy định được thiết kế, vận hành chung cho cả nước, rất hạn chế những thiết kế có tính đến điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng. Điều này dẫn đến: (1) Sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản; ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng; (2) Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện tạo thực tiễn cho từng địa phương; (3) Thiếu khuôn khổ thể chế để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn của vùng trong khi phân bổ nguồn lực ngân sách hạn chế và thiếu trọng tâm.

       - Bên cạnh đó, một số thể chế quản lý tạo ra sự lồng ghép công vụ về vai trò giữa Trung ương và địa phương. Các cơ sở dữ liệu thông tin quản lý buộc phải tập trung đầu mối và theo những chuẩn thiết kế của Trung ương trong khi địa phương lại có những đặc thù và những yêu cầu riêng. Đồng thời, giới hạn trong các khuôn khổ thể chế cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xin - cho các cơ chế, chính sách đặc thù.Nói nôm na, mô hình quản lý nhà nước ở nước ta kiểu như “ đan một cái lưới để đánh mọi loại cá” nên dẫn đến tinh trạng địa phương nào cũng cố xin “cơ chế đặc thù”. Trong tình hình hiện nay, tôi hoan nghênh Chính phủ tổ chức những tổ công tác hoặc ban chỉ đạo đặc biệt để thúc đẩy và tháo gỡ những điểm nghẽn cho các lĩnh vực và dự án quan trọng, cấp thiết, nhưng mặt khác phải thấy rằng đó là dấu hiệu của một nền hành chính bị trục trặt, vận hành yếu kém.

   1.4. Thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt –đang đuối tầm trong môi trường hội nhâp.

   + Theo Luật doanh nghiệp, thì mọi doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam, bất luận nguồn gốc vốn được xem là doanh nghiệp Việt nam ( pháp nhan Việt Nam), bao gồm cả Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Theo số liệu năm 2022,  khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, nhưng chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu ( năm 2001 chiếm 45,2%); còn khu vực 100% vốn trong nước( kinh tế tư nhân) chỉ chiếm 6,8%. Con số trên cho thấy, với chiến lược hướng về xuất khẩu, chủ động và tích cực hội nhập; nổ lực ký kết và thực thi các hiệp định FTA song phương và đa phương,,chưa mang lại lợi ích nhiều cho các doanh nghiệp thuần Việt so với khu vực FDI.

  + Tinh từ thời điểm năm 1991, sau hơn 30 năm từ khi ban hành Luật doanh nghiệp tư nhan và Luật công ty cho đến nay khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển đáng kể, đã hình thành nhièu tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô khá lớn, trong một số ngành kinh tế, nhất là hoạt động trên thị trường bất động sản; xây dựng được thương hiệu Việt ở một số mặt hàng tiêu dùng, lĩnh vực thương mại bán lẻ, du lịch... nhưng nhưng nhìn tổng thể cả nền kinh tế, thì doanh nghiệp Việt vẫn là lực lượng yếu kém và nhiều thương hiệu Việt xây dựng trong nhiều năm đã bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính, phổ biến thông qua mua-bán sáp nhập ( M&A). Hệ thống bán lẻ ở thị trường nội địa, thương mại điện tử... doanh nghiệp nước ngoài đang chi phối. ... Doanh nghiệp Việt đang thua ngay trên “ sân nhà” đang là thực tế, chứ không còn là nguy cơ. Về đường lối của Đảng đã khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nước là quan trọng, nhưng dường như khu vực này không “ lớn lên” được, mà đang” tự thúc thủ”, nhất là sau đại dịch covid-19.

 +  Hiến pháp năm 2013 và Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư năm 2014 đã bước đột phá về mở rộng quyền kinh doanh cho doanh nghiệp khi chuyển cơ chế “ chọn cho sang chọn bỏ”, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trên thực tế với vô vàng những quy định dưới luật vẫn duy trì cơ chế xin- cho dưới nhièu hình thức.Bên cạnh đó, sự chồng chéo giữa các quy định, đúng sai không rõ ràng, nên môi trường tự do kinh doanh chưa cải thiện đáng kể. Tình trạng những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì nản chí, còn những doanh nghiệp “ luồn lách” vẫn còn đất sống.Một nền quản trị tốt là nền quản trị có cơ chế ngăn ngừa vi phạm có hiệu quả, chứ không phải cơ chế  xử lý vi phạm hiệu quả.

II. Kiến nghị chính sách:

  2.1.  Cần có quyết tâm chính trị để thực hiện khát vọng phát triển:

     Sau hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp Đổi mới, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phi thị trường sang kinh tế thị trường,chúng ta đã đạt được những thành quả khá toàn diện và đã rút ngắn được khoảng cách tuỵt hậu so với khu vực và thế giới.Năm 2010 là thời điểm đánh dấu mốc phát triển quan trọng khi nước ta chuyển từ một nước thu nhập thấp sang nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp ( GRD/ người vượt ngưỡng 1100 usd) và năm 2022  đã chuyến sang quốc gia có thu nhập trung bình ( vượt ngưỡng 4100 usd),[1] nhưng thời kỳ dân số vàng cũng chỉ còn kéo dài đến sau năm 2035. Do đó, có thể nói trong 10-15 năm tới là thời kỳ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ để chúng ta tiếp tục rút ngắn sự tuỵt hậu so với thế giới và khu vực, mà còn có ý nghĩa lớn hơn đối với sự nghiệp CNH đất nước; tăng tiềm lực kinh tế để giữ vững an ninh -quốc phòng, tạo thế đứng cho Việt Nam trong quan hệ khu vực và quốc tế.  

    Vấn đề là đòi hỏi chúng ta phãi có một quyết tâm chính trị cao, phải hành động với khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc; sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tạo sức lang tỏa đến nhân dân, tạo niềm tin lâu dài cho doanh nghiệp và tương lai của các thế hệ để vượt qua chính mình. 

    2.2. Khai thác hiệu quả 4 trụ cột tăng trưởng:Trong bài toán phát triển cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao như một quyết tâm chính trị để tính bài toán ngược lại về nguồn lực và động lực. Kinh nghiệm những quốc gia thành công trong sự nghiệp CNH trong nửa cuối thế kỷ 20 đều dựa vào sự quyết tâm chính trị của cả dân tộc họ.Xét về tiềm năng, địa- kinh tế của quốc gia và thời cơ của thời đại có bước nhảy vọt về thành tựu khoa học- công nghệ, nếu khai thác có hiệu quả 4 trụ cột kinh tế nhằm tăng cường năng lực nội sinh: (1) Nền nông nghiệp nhiệt đới, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thông qua đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp sạch(2)Lợi thế của kinh tế biển ( bao gồm các khu kinh tế ven biển); lợi thế của quốc gia  “ mặt tiền biển”, phát triển các khu kinh tế ven biển và dịch vụ cảng-logistics.Kinh tế biển không chỉ tạo sức lang tỏa cho các ngành kinh tế khác phát triển mà còn là phục vụ cho mục tiêu an ninh, quốc phòng; gìn giữ chủ quyền biền đảo; (3)Phát triển ngành công nghiệp du lịch nhằm đưa Việt nam thành điểm đến của du lịch toàn cầu; (4)Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa ( đây là dư địa rất lớn khi chúng ta đô thị hóa chưa đến 40%).

       Phát triển kinh tế bền vững theo tôn chỉ: tăng trưởng kinh tế nhanh, an toàn và chất lượng cả hệ thống kinh tế chứ không riêng rẽ ngành nào hay lĩnh vực nào.             Câu hỏi được đặt ra là trong nền kinh tế hiện nay những lĩnh vực nào có nhiều dư địa để phát triển? dư địa không phải ở những ngành kinh tế cụ thể, mà chính là ở thể chế. Nền kinh tế Việt nam còn quá nhiều dư địa để phát triển nếu tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, mà trước hết là tư duy Nhà nước làm thay thị trường và mặt khác ở thái cực bắt thị trường làm thay Nhà nước (lạm dụng hình thức xã hội hóa).

    2.3.Giải quyết những trục trặt từ mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường :

     Trước hết không phải lý luận, mà cụ thể hóa trong từng đạo luật về quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực về chức năng quản lý của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường.

     Khi đặt ra một nội dung quản lý chúng ta cần đặt ra câu hỏi: quản lý để đạt mục đích gì? đây là việc của Nhà nước hay việc của thị trường? Nhà nước không làm thay thị trường, nhưng cũng không thể bắt thì trường làm thay việc của Nhà nước; đâu là quan hệ hành chính, đâu là quan hệ dân sự được lồng ghép trong nhiều đạo luật. Đây đang là vâqns đè tồn tại lớn hiện nay.

      Vấn đề đặt ra : nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nổ lực cải cách riêng lẽ sẽ không mang lại hiệu quả, mà sự mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm.Điển hình nhất là hàng chục đạo luật về kinh tế Quốc hội mới ban hành tại nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ này phải sửa vì mâu thuẫn, xung đột khi thực thi.

     2.4. Nâng cao hiệu quả quản trị nền hành chính công:

      Nền hành chính công bao gồm 3 bộ phận: (1) thể chế hành chính; (2) bộ máy vận hành và ( 3) đội ngũ công chức, viên chức.Một nền hành chính chỉ vận hành hiệu quả khi sự cải cách đồng bộ 3 bộ phận cấu thành này.Trong tình hình hiện nay, tăng cường năng lực nội sinh trước hết là nâng cao hiệu quả và hiệu lực của nền hành chính công trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội, bao gồm các nội dung, trong đó cần cải cách 2 vấn đề căn cơ:[2]

       2.4.1. Mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý kinh tế:; nâng cao ính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương

     +Việc phân quyền cần được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản sau: (1)Mở rộng phân quyền, nhưng đồng thời phải tạo cơ chế để tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương. Cụ thể, Chính phủ cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: hoạch định chính sách; ban hành các quy định và kiểm tra giám sát chế tài vi phạm công vụ. Còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện. (2Việc phân quyền cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, nhưng không đồng nhất, bảo đảm tính chất của một nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị. Xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách và cung cấp dịch vụ đô thị của chính quyền các đô thị. (3) Việc phân quyền cần được thực hiện theo hướng việc gì cấp dưới, địa phương làm tốt thì giao cho cấp đó thực hiện; cấp nào giải quyết sát thực tế hơn, có điều kiện thực hiện và có hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó. (4) Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ (tự quyết, tự quản đối với công việc được giao; không trùng lắp giữa việc do Trung ương làm với việc của địa phương làm và công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động).

     + Trong nền hành chính  quốc gia, xóa dần cơ chế lồng ghép công vụ : công vụ quốc gia và công vụ địa phương. Không có công vụ nhà nước chung chung. Đây là nền tảng xây dựng mô hình chính quyền địa phương; cụ thể hóa cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa trung ương và địa phương theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước; kiểm soát lạm quyền; bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các cơ quan dân cử địa phương.

    2.4.2.. Cải cách nền tài chính công:

   +  Chuyển dần cơ chế “ ngân sách lồng ghép” gọi chung là ngân sách nhà nước như hiện nay sang cơ chế tách biệt” ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương.”; phát huy cơ chế tự chủ ngân sách của địa phương;  Đây là cơ sở để cải cách nền tài chính quốc gia. Phải khắc phục tình trạng “xin- cho “ trong quy trình lập ngân sách.[3]

  +  Phát huy vai trò của các định chế phi lợi nhuận thay cho quan điểm xã hội hóa về dịch vụ công như hiện nay.Nhà nước cung cấp dịch vụ công ích, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ một phần gián tiếp qua các định chế phi lợi nhuận.

       Tóm lại,  nâng cao quản trị công dựa trên quan điểm: Thể chế kinh tế thị trường không thể vận hành trôi chảy bỡi một bộ máy hành chính về bản chất gắn với thuộc tính của nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy xuyên suốt từ trung ương đến địa phương như hiện nay.Tính thống nhất của nền hành chính quốc gia đã biến thành tính đồng nhất của bộ máy hành chính.Đây là nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, hiệu lực.

   2.5. Xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển:

    + Về nguyên tắc Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Nhưng thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Nhưng mặt khác Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. Điển hình nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng; vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường…

    + Tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tính minh bạch, công minh trong chính sách và trong việc thực thi pháp luật.Tất cả các quy định của nhà nước về một vấn đề không thể hiểu khác nhau. Phải quy trách nhiệm đối với những cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà nội dung mập mờ, có thể hiểu khác nhau khi áp dung.

  + Cần xây dựng lộ trình từng bước tách biệt cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách từ trung ương đến địa phương.

  2.6. Định vị vai trò của doanh nghiệp Việt trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ:    

    +  Có chính sách, kể cả các biện pháp tình thế khi cần thiết, để thúc đẩy hinh thành và phát triển các tập đoàn kinh tê tư nhân lớn mạnh trong từng ngành và từng lĩnh vực; làm nòng cốt, dẫn dắt và thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ; làm đối tác ngang tầm với các doanh nghiệp lớn nước ngoài; tạo nên những thương hiệu Việt với tầm nhìn toàn cầu.

   + Tăng cường biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt. Xây dựng tiêu chí công nhận thương hiệu quốc gia được Nhà nước bảo hộ và kiểm soát trong quá trình mua-bán; sáp nhập ( M&A) với doanh nghiệp nước ngoài.

 + Xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tổ chức và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm, với cơ chế chung cho mọi nguồn vốn tham gia, gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp ( start-up) với đổi mới sáng tạo.  Tách biệt chính sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và chính sách Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường công nghê.

 +  Xây dựng Luật công nghiệp hỗ trợ gắn với Luật DNV&N hiện hành nhằm đông bộ hóa việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sỏ tập hơp, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong cùng nhóm ngành theo mô hình các “ cứ điểm sản xuất” (cluster) ở các Vùng kinh tế.

  Tóm lại: từ thực tiễn những thành tựu đã đạt được trong quá trình khai thác năng lực nội sinh của nền kinh tế cho mục tiêu phát triển trong hơn 30 năm qua, cùng với những vấn đề  bất cập đang đăt ra hiện nay, nhất là những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, nên việc tăng cường năng lực nội sinh, tạo động lực cho tăng trưỏng nhanh và bền vững trong những năm tới,  cần tập trung giải quyét 2 nhóm chính sách trọng tâm :  nâng cao quản trị nền hành chính công và  xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiẹp Việt phát triển.

                                                                           

                                                                         TP. Hồ Chí Minh ngày 30/08/2023                

 

 

 

                        TÀI LIỆU THAM KHẢO

       1. Văn kiện Đại hội Đảng  XI, XII, XIII.

        2. Nghị quyết 24-NQ/ TW về Đông Nam bộ. 31-NQ/ TW về TP Hồ Chí Minh.

        3. Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020 và 2021-2030.

        4..Niên giám thống kê VN năm 2015, 2020 và 2022.

        5.  Nhiều nôi jdung bài viết được rút ra từ các tài liệu nghiên cứu khác của chính tác giả trong các năm 2020-2023.    

 

 

[1]  Theo số liệu TCTK công bố và cách tính so sánh của tác giả. Theo tiêu chí xếp hạng của WB tính theo GDP/ người thì quốc gia  thu nhập thấp có GDP/ người dưới 1025 usd ; QG có thu nhập trung bình thấp dưới 4035 usd;  QG có thu nhập trung bình dưới 12475 usd và QG thu nhập cao trên 12.476 usd. Việt nam hiện nay theo tiêu chí này thuộc quốc gia có thu nhập trung bình.

[2] Cải cách hành chính trong nhiều năm, nhưng mang lại hiệu quả rất hạn chế do cải cách thiếu đông bộ giữa 3 bộ phhaanj trên.

[3]  Sự tông tại lâu dài của cơ chế lồng ghép ngân sách giữa TƯ và địa phương  gọi là “ ngân sách nhà nước” là di sản của cơ chế kế hoach hóa tập trung mà sự nghiệp đối mới tiến hành chậm nhất.