Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững thị trường lao động: Phục hồi cùng nền kinh tế

Việt Nam được đánh giá là một mô hình thành công trong việc kiểm soát, hạn chế tác động của đại dịch, trong đó có việc hỗ trợ những người lao động và các hộ gia đình dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao và các biện pháp chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã dần nới lỏng các biện pháp chống dịch chặt chẽ trước đây để dần đưa các hoạt động của nền kinh tế xã hội trở lại các hoạt động bình thường từ đầu quý 2 năm 2022 cho đến nay.  

 

TS. Nguyễn Thắng,

Nguyên Giám đốc Trung tâm Phân tích

và Dự báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

TS. Phạm Minh Thái,

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới,

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

1. Mở đầu

          Đại dịch COVID-19 (được viết tắt là Đại dịch trong báo cáo này) là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong nhiều thập kỷ. Đại dịch đã tác động mạnh đến toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp với hệ thống an sinh xã hội và y tế yếu kém.

          Việt Nam được đánh giá là một mô hình thành công trong việc kiểm soát, hạn chế tác động của đại dịch, trong đó có việc hỗ trợ những người lao động và các hộ gia đình dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao và các biện pháp chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã dần nới lỏng các biện pháp chống dịch chặt chẽ trước đây để dần đưa các hoạt động của nền kinh tế xã hội trở lại các hoạt động bình thường từ đầu quý 2 năm 2022 cho đến nay.  

          Đánh giá cập nhật về sự phục hồi của thị trường lao động đóng một vai trò quan trọng đối với hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng khoa học nhằm thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ, bền vững và bao trùm của nền kinh tế Việt Nam. Đây là nội dung chính của báo cáo này, được xây dựng trên cơ sở sử dụng số liệu của Điều tra Lao động việc làm của Tổng cục Thống kê. Để đảm bảo tính so sánh (tránh yếu tố mùa vụ) số liệu quý 2 các năm từ 2018 đến 2023 được sử dụng để phân tích. Theo đó, số liệu quý 2 năm 2018 và 2019 được coi là số đại diện cho giai đoạn “Trước Đại dịch”, số liệu quý 2 năm 2020 và 2021 đại diện cho giai đoạn “Trong Đại dịch” và số liệu quý 2 năm 2022 và 2023 sẽ đại diện cho giai đoạn “Sau Đại dịch”. Việc so sánh sự thay đổi của các chỉ tiêu chính trên thị trường lao động giữa các quý 2 của giai đoạn 2018-2023 sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về sự phục hồi của thị trường lao động ở Việt Nam.

2. Lao động Việt Nam sau đại dịch

Thu nhập thực tế của lao động giảm đáng kể trong quý 2 năm 2020 so với quý 2 năm 2019 do tác động của Đại dịch nhưng đã có sự phục hồi rõ rệt vào quý 2 năm 2023 so với cùng kỳ các năm 2021 và 2022.

Để loại bỏ ảnh hưởng của yếu tố lạm phát, thu nhập danh nghĩa được điều chỉnh qui về mặt bằng giá của tháng 1 năm 2018. Hệ số điều chỉnh được tính cho mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 6 năm 2023 bằng việc sử dụng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tích lũy từ tháng 1 năm 2018 đến tháng cần điều chỉnh. Sau đó, hệ số điều chỉnh trong một quý được tính là giá trị trung bình của các hệ số điều chỉnh của ba tháng trong quý. Các hệ số điều chỉnh theo quý được trình bày trong Bảng 1.

                   Bảng 1.  Hệ số điều chỉnh giá theo quý

Q2/2018

Q2/2019

Q2/2020

Q2/2021

Q2/2022

Q2/2023

  0,94

  3,31

  6,24

  9,32

12,48

15,19

Nguồn: Tính toán của các tác giả từ chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của TCTK

           Số liệu Điều tra Lao động việc làm (LFS) cho thấy thu nhập thực tế của người lao động (được điều chỉnh theo các hệ số tăng giá như trong Bảng 1) trong quý 2 của năm 2020 thấp hơn 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, thu nhập thực tế trong quý 2 năm 2023 đã tăng 2,8% so với quý 2 năm 2022, tăng 9% so với quý 2 năm 2021 và tăng 15,2% so với quý 2 năm 2020.

          Những thay đổi về thu nhập theo ngành 2 chữ số được trình bày trong Hình 1. Theo đó, thu nhập thực tế của người lao động trong quý 2 năm 2020 (làn sóng dịch thứ nhất) đã bị giảm mạnh so với quý 2 năm 2019. Thu nhập thực tế trong các ngành bị giảm nhiều nhất trong quý 2/2020 bao gồm dịch vụ lưu trú (giảm 25,1%), xổ số (giảm 20,6%), nghệ thuật giải trí (giảm 20,4%), du lịch, dịch vụ ăn uống và dịch vụ khác (giảm khoảng 20%). Làn sóng dịch thứ tư (trong quý 3 năm 2021) đã chứng kiến sự suy giảm thu nhập thực tế của người lao động trong hầu hết các ngành với suy giảm mạnh nhất trong các ngành xổ số (giảm 40,35%), cho thuê máy móc thiết bị (giảm 38,1%), sản xuất giày dép (giảm 27,7%), dịch vụ, du lịch và ăn uống giảm tương ứng 23,5%; 22,7% và 21,4%. Tuy nhiên, thu nhập thực tế trong quý 2 năm 2022 đã có xu hướng tăng đáng kể so với quý 2 năm 2021. Xu hướng tăng của thu nhập thực tế tiếp tục diễn ra trong quý 2/2023 so với quý 2/2022. Cụ thể, thu nhập trong ngành du lịch tăng 11,4% so với cùng kỳ 2022 (sau khi đã tăng 19,2% trong quý 2/2022 so với quý 2/2021); các ngành chế biến gỗ, chế biến thực phẩm và dệt may tăng tương ứng 10,7%; 5,9% và 4,5%. Đặc biệt, thu nhập thực tế của lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất than và dầu mỏ có tốc độ phục hồi mạnh nhất với 32% tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

Sự khác biệt về thu nhập của người lao động giữa các ngành 2 chữ số tăng lên đáng kể trong quý 2/2023

Có sự thay đổi đáng kể về tỷ lệ tăng trưởng thu nhập thực tế của lao động theo quý[1] trên các ngành cấp 2 của nền kinh tế giữa các quý. Các thay đổi được lượng hóa bằng hệ số biến thiên tương đối cao, (hệ số này được đo bằng độ lệch tiêu chuẩn chia cho giá trị trung bình). Hơn nữa, hệ số biến thiên cho quý 2 năm 2022 thay đổi trong một phạm vi hẹp hơn đáng kể so với quý 2 năm 2021, với hệ số biến thiên thấp hơn (1,43 so với 2,3). Tuy nhiên, hệ số này đã tăng đáng kể trong quý 2/2023 với hệ số là 2,45 (Bảng 2). Hệ số biến thiên tăng lên như vậy do nguyên nhân chính là tốc độ tăng thu nhập trung bình trong quý 2/2023 so với quý 2/2022 đã giảm xuống đáng kể (còn 2,73%) so với tốc độ tăng trung bình trong quý 2/2022 so với cùng kỳ 2021 (7,96%). Điều đó cho thấy tốc độ phục hồi đã chậm lại so với thời điểm ngay sau khi đại dịch được kiểm soát.

Bảng 2. Thay đổi thu nhập thực tế của người lao động giữa các quý 2, 2018-2023

 

Q2/19 vs. Q2/18

Q2/20 vs. Q2/19

Q2/21 vs. Q2/20

Q2/22 vs. Q2/21

Q2/23 vs. Q2/22

Trung bình

9,52

- 6,59

5,81

7,96

2,73

Trung vị

8,67

- 6,49

4,91

6,78

2,28

Lớn nhất

51,14

22,59

38,23

70,33

31,34

Nhỏ nhất

-10,91

- 25,10

- 49,29

- 11,78

-  11,45

Độ lệch chuẩn

9,09

9,40

13,36

11,41

6,70

Hệ số biến thiên *

0,96

-1,43

2,30

1,43

2,45

Nguồn: Theo số liệu Điều tra lao động việc làm.

(*) Hệ số biến thiên bằng độ lệch chuẩn chia cho giá trị trung bình.

           

Thu nhập của lao động trong các ngành dịch vụ bị giảm mạnh nhất trong đại dịch (quý 2/2020 so với quý 2/2019) và các ngành này có sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 2/2023 so với quý 2/2022 và quý 2/2021

Trong quý 2 năm 2020, các ngành giảm thu nhập mạnh nhất đều là các ngành dịch vụ như xổ số, cho thuê máy móc thiết bị, du lịch, ăn uống, dịch vụ lưu trú và dịch vụ khác. Trong đó, hầu hết là lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp nhiều. Trong số những ngành giảm này, lớn nhất là dịch vụ ăn uống và vận tải, sử dụng khoảng 2,52 triệu và 1,65 triệu trong quý 2/2021 và sử dụng khoảng 1,96 triệu và 1,44 triệu lao động trong quý 3/2021 tương ứng[2]. Các dịch vụ khác sử dụng gần 1 triệu lao động cũng đã giảm mạnh khoảng 20% trong quý 2/2020 so với quý 2/2019.

Ngay sau khi đại dịch được kiểm soát, thu nhập của lao động ngành du lịch và dịch vụ khách sạn đã phục hồi mạnh mẽ khi xuất hiện trong danh sách những ngành tăng điểm hàng đầu trong quý 2/2022 so với quý 2/2021, cũng như trong quý 2/2023 so với quý 2/2022. Có được kết quả này có lẽ là do việc khôi phục lại các chuyến bay thương mại cả trong nước và quốc tế từ tháng 4 năm 2022 cho đến nay, khiến lượng khách du lịch đến trong quý 2/2022 gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021(đạt 602 nghìn lượt khách)[3] và lượng khách du lịch quốc tế trong quý 2/2023 đạt 2,9 triệu lượt và khách nội địa du lịch là 36,5 triệu lượt[4]. Tuy nhiên thu nhập thực tế của lao động trong ngành dịch vụ ăn uống, sử dụng hơn 2,5 triệu lao động (5,6 triệu đồng/tháng) thấp hơn mức trung bình trên mỗi người lao động trong quý 2 năm 2023 (7,2 triệu đồng/tháng).

Các ngành sản xuất theo định hướng xuất khẩu phục hồi tốt trong quý 2 năm 2022 mặc dù bị tác động mạnh bởi Đại dịch trong quý 2 và quý 3 năm 2021.  

Lao động trong các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu có mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) cao, như dệt may (sử dụng 3,36 triệu lao động trong quý 2/2023), giày dép (1,9 triệu lao động trong quý 2/2023); chế biến gỗ (546 nghìn lao động trong quý 2/2023 và 590 nghìn lao động trong quý 2/2021) có thu nhập thực tế tăng lên đáng kể so với quý 2/2022. Cụ thể thu nhập thực tế của lao động ngành dệt tăng 4,4% (sau khi tăng 13,8% trong quý 2/2022 so với quý 2/2021); ngành chế biến gỗ tăng 10,7% và ngành may mặc (sử dụng hơn 3 triệu lao động) có thu nhập thực tế tăng 1,5%  (sau khi tăng 9,3% trong quý 2/2022 so với quý 2/2021).

 

Một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề trong Đại dịch đã có sự phục hồi rõ rệt trong quý 2/2022 và quý 2/2023

Bảng 3a và Bảng 3b cung cấp một số thông tin chính về các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 2 năm 2020 so với quý 2 năm 2019 (được xác định là có thu nhập giảm nhiều hơn giá trị trung bình của toàn nền kinh tế trong quý này). Đồng thời bảng này cũng cho thấy sự phục hồi đáng kể cả về thu nhập và số lao động trong quý 2/2023 so với quý 2/2022 và quý 2/2021. Theo đó, thu nhập của lao động trong ngành dịch vụ lưu trú giảm mạnh nhất (-25,1%) sau đó là ngành xổ số (-20,6%) và ngành nghệ thuật, thể thao, giải trí (-20,4%). Tuy nhiên, đến quý 2 năm 2022 thu nhập của lao động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, du lịch và dịch vụ ăn uống đã TĂNG tương ứng là 32,0%; 19,2% và 7,5% so với quý 2/2021. Xu hướng tăng dù có chậm lại trong quý 2/2023 nhưng vẫn tăng đáng kể so với quý 2/2022.

          Trong số các lĩnh vực sản xuất có sự phục hồi tốt, ngành sản xuất thiết bị điện với thu nhập bình quân thực tế là 7,6 triệu đồng/tháng (cao hơn thu nhập trung bình của các ngành 2 chữ số) có sự tăng trưởng lao động tốt (tăng 36,7% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022). Lĩnh vực sản xuất giày dép sử dụng khoảng 1,9 triệu lao động lao động với thu nhập lao động thực tế trên một công nhân là 6,6 triệu đồng/tháng trong quý 2 năm 2023, liên tục tăng lực lượng lao động hơn 5,9% trong quý 2/2021 so với quý 2/2020; tăng 9,3% trong quý 2/2022 so với quý 2/2021 và tăng 0,6% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022. Lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, sử dụng khoảng 3,0 triệu lao động trong quý 2/2022 và quý 2/2023 với mức thu nhập lao động thực tế bình quân trên một công nhân là 6,1 triệu đồng/tháng (thấp hơn giá trị trung bình của các ngành 2 chữ số) có số lao động tăng 8,6% trong quý 2/2021 so với quý 2/2020; tăng 7,7% trong quý 2/2022 so với quý 2/2021 và số lao động trong ngành này tiếp tục tăng 1,3% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022.

Phần còn lại của các ngành sản xuất cũng có sự phục hồi tốt với số việc làm tăng 8,1% (cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình của cả nền kinh tế (6,0%)). Những ngành này tương đối linh hoạt về việc làm nên đã có những biện pháp ứng phó phù hợp trước cú sốc thu nhập do đại dịch gây ra.

 

Bảng 3a. Thay đổi thu nhập trong một số ngành phục hồi tốt trong quý 2/2023 so với quý 2/2022

Ngành

 Thu nhập Q2/19

 Thu nhập Q2/20

 Thu nhập Q2/21

 Thu nhập Q2/22

 Thu nhập Q2/23

 Thay đổi TN Q2/20-Q2/19 (%)

 Thay đổi TN Q2/21-Q2/20 (%)

 Thay đổi TN Q2/22-Q2/21 (%)

 Thay đổi TN Q2/23-Q2/22 (%)

Du lịch

8.094

6.473

6.701

7.986

8.897

-  20,0

3,5

19,2

11,4

Chế biến gỗ

4.911

4.622

4.534

4.823

5.339

- 5,9

- 1,9

6,4

10,7

Làm thuê HGD

4.152

3.776

4.188

4.362

4.792

- 9,1

10,9

4,2

9,9

Xổ số

4.380

3.476

4.559

4.601

4.955

- 20,6

31,2

0,9

7,7

CB thực phẩm

5.750

5.252

5.410

5.782

6.120

- 8,7

3,0

6,9

5,9

SX thiết bị điện

6.659

5.909

6.557

7.240

7.606

- 11,3

11,0

10,4

5,1

Vận tải

7.965

6.619

7.512

8.014

8.402

- 16,9

13,5

6,7

4,8

TC-NH-BH

9.881

9.254

9.464

9.306

9.739

- 6,3

2,3

- 1,7

4,7

Truyền thông

9.002

8.852

9.347

10.108

10.566

- 1,7

5,6

8,1

4,5

Dệt

6.303

5.863

5.704

6.492

6.781

- 7,0

-2,7

13,8

4,4

Nông nghiệp

2.721

2.624

3.158

3.191

3.329

- 3,6

20,3

1,1

4,3

SX nhựa và cao su

7.034

6.518

6.257

7.183

7.477

-7,3

- 4,0

14,8

4,1

Bán buôn

7.516

6.973

7.189

7.581

7.885

- 7,2

3,1

5,5

4,0

DV ăn uống

5.364

4.332

5.011

5.385

5.594

-19,2

15,7

7,5

3,9

Bán lẻ

6.180

5.485

6.294

6.458

6.668

- 11,2

14,8

2,6

3,2

SX đồ uống

5.221

5.588

5.210

5.936

6.101

7,0

- 6,8

13,9

2,8

DV lưu trú

6.989

5.235

6.619

6.928

7.101

-25,1

26,4

4,7

2,5

Trung bình

6.801

6.285

6.684

7.150

7.206

- 7,9

7,4

7,4

1,1

Trung vị

6.791

6.137

6.602

7.183

7.190

- 7,2

5,6

7,5

1,7

Nguồn: Theo số liệu Điều tra lao động việc làm (LFS)

 

 

Bảng 3b. Thay đổi lao động trong một số ngành phục hồi tốt trong quý 2/2023 so với quý 2/2022

Ngành

 Số LĐ  Q2/19

 Số LĐ  Q2/20

 Số LĐ  Q2/21

 Số LĐ Q2/22

 Số LĐ Q2/23

 Thay đổi LĐ Q2/20-Q2/19
(%)

 Thay đổi LĐ Q2/21-Q2/20
(%)

 Thay đổi LĐ Q2/22-Q2/21
(%)

 Thay đổi LĐ Q2/23-Q2/22
(%)

Du lịch

76.666

54.952

59.691

53.108

91.528

- 28,32

8,62

- 11,03

72,34

SX thiết bị điện

175.804

170.315

204.038

182.508

249.501

- 3,12

19,80

-10,55

36,71

T.tin và t.thông

99.547

84.390

77.932

83.611

106.112

- 15,23

- 7,65

7,29

26,91

SX máy móc khác

59.940

88.372

60.397

71.922

87.160

47,43

-31,66

19,08

21,19

Cho thuê MMTB

79.113

72.684

67.387

74.144

88.640

-  8,13

-7,29

10,03

19,55

Vệ sinh, hỗ trợ VP

185.809

181.036

200.465

187.840

218.805

- 2,57

10,73

- 6,30

16,48

DV lưu trú

284.703

228.216

181.429

176.838

204.151

- 19,84

- 20,50

- 2,53

15,45

Bán buôn

1.726.718

1.501.318

.558.971

1.573.825

1.805.881

- 13,05

3,84

0,95

14,74

Xổ số

129.518

123.361

158.705

144.313

162.292

-  4,75

28,65

- 9,07

12,46

CBCT khác

256.607

231.343

247.114

299.877

324.234

- 9,85

6,82

21,35

8,12

DV ăn uống

2.486.603

2.379.063

2.519.765

2.547.343

2.746.410

- 4,32

5,91

1,09

7,81

SX hóa chất

131.198

134.333

133.227

128.757

138.589

2,39

- 0,82

-3,36

7,64

Xây dựng 

4.437.932

4.566.549

4.607.954

4.460.080

4.741.702

2,90

0,91

- 3,21

6,31

N.thuật, TT, giải trí

153.222

132.617

133.525

144.659

141.223

-13,45

0,68

8,34

- 2,38

Trung bình

1.080.502

1.034.636

1.007.936

1.025.992

1.048.847

- 2,2

3,0

3,3

6,0

Trung vị

271.585

260.430

273.674

293.936

289.243

-  5,3

3,8

1,1

2,6

Tổng

52.733.999

50.456.830

9.281.211

50.067.796

51.098.939

- 4,32

- 2,33

1,60

2,06

Nguồn: Theo số liệu Điều tra lao động việc làm (LFS)

 

          Nhóm ngành phi sản xuất (non-productive sectors) như nghệ thuật, thể thao và giải trí, sử dụng 141 nghìn lao động với mức thu nhập thực tế trung bình là 7,2 triệu đồng/tháng trong quý 2/2023 (tương đương với mức thu nhập trung vị thực tế cũng đã tăng lực lượng lao động của họ lần lượt là 0,68% trong quý 2/2021 so với quý 2/2020 và và 8,3% quý 2/2022 so với quý 2/2021. Sự phục hồi của lao động trong lĩnh vực này là một tín hiệu khả quan bởi trong giai đoạn đại dịch họ đã có thể cảm thấy khó khăn khi chuyển sang các lĩnh vực khác khi kỹ năng của họ quá đặc biệt và có thể không phù hợp với các bộ phận khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, số lao động trong lĩnh vực này đã GIẢM 2,4% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022. Đây là một điểm khác biệt so với xu hướng tăng chung của các ngành 2 chữ số và cần phải được tiếp tục theo dõi và phân tích chi tiết trong thời gian tới.

Thu nhập của người lao động trong một số ngành giảm trong thời gian sau đại dịch

Trong khi phần lớn các ngành có tăng trưởng thu nhập sau Đại dịch, thì cũng có những ngành giảm thu nhập trong quý 2 năm 2023. So với quý 2/2022, trong quý 2/2023 các ngành có thu nhập của người lao động giảm là cho thuê máy móc thiết bị, lâm nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ việc làm, sản xuất máy móc thiết bị khác, giày dép, sản xuất sản phẩm điện tử, thông tin truyền thông, kinh doanh bất động sản, tư vấn, sản xuất thuốc, bán ô tô và kiến trúc.

Ngành sản xuất giày dép, nơi sử dụng khoảng 1,9 triệu lao động với thu nhập lao động thực tế của mỗi lao động vào khoảng 6,6 triệu đồng/tháng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn bộ nền kinh tế là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng trưởng thu nhập thực tế của lao động trong ngành này đã giảm 2,5% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022.

Các ngành dịch vụ xã hội quan trọng có thu nhập tăng xấp xỉ mức tăng trung bình của nền kinh tế trong quý 2/2023 so với quý 2/2022. Mặc dù số lao động lại giảm đáng kể trong quý 2/2022 so với quý 2/2021 nhưng đã có sự phục hồi đáng kể trong quý 2/2023 so với quý 2/2022.

Hai lĩnh vực xã hội chính là giáo dục-đào tạo và y tế có thu nhập tăng nhưng lao động giảm trong thời sau đại dịch trước khi có sự hồi phục mạnh mẽ vào quý 2/2023 so với quý 2/2022. Ngành giáo dục sử dụng hơn gần 2 triệu lao động với mức lương tương đương mức lương trung vị là 7,2 triệu đồng/tháng ghi nhận mức tăng của thu nhập thực tế là 1,8% trong quý 2/2021 so với quý 2/2020 và tăng 6,4% trong quý 2/2022 so với quý 2/2021, kèm theo giảm 4,5% việc làm trong quý 2/2022 so với quý 2/2021. Tuy nhiên, sự hồi phục đã rõ nét hơn khi so sánh quý 2/2023 với quý 2/2022 (Bảng 4a, Bảng 4b). Theo đó, thu nhập thực tế của lao động trong ngành giáo dục tiếp tục tăng nhẹ 0,1% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022 đi kèm với mức tăng 4,8% về số lao động trong cùng thời kỳ. Tương tự, thu nhập thực tế của lao động trong ngành y tế tiếp tục tăng 1,0% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022 đi kèm với mức tăng 6,2% về số lao động trong cùng thời kỳ.

Lĩnh vực y tế/chăm sóc sức khỏe, vốn sử dụng hơn 634 nghìn lao động với mức lương cho mỗi lao động là 7,6 triệu đồng trong quý 2/2023 cho thấy thu nhập tăng 1,0% trong quý 2/2023 so với quý 2/2022. Số lượng việc làm trong lĩnh vực y tế giảm 3,8% trong quý 2 năm 2022. Thời gian gần đây rất nhiều thông tin về việc rời bỏ các ngành dịch vụ công như y tế, giáo dục đặc biệt ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh của người lao động vì vậy sự suy giảm tốc độ tăng trưởng lao động trong các ngành này cần phải được giám sát chặt chẽ để có những lý giải cho các nguyên nhân và có thể đưa ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang thiếu số lượng lớn lao động trong các ngành này. Tuy nhiên, số liệu quý 2/2023 đã cho thấy sự hồi phục đáng kể về số lượng lao động làm việc trong hai lĩnh vực dịch vụ quan trọng này. Đây là một tín hiệu cho thấy sự tiếp tục hồi phục tốt trên thị trường lao động trong quý 2/2023.

 

 

 

 

Bảng 4a. Thay đổi thu nhập của người lao động trong các giáo dục và y tế, quý 2 (2019-2023)

Ngành

 Thu nhập Q2/19

 Thu nhập Q2/20

 Thu nhập Q2/21

 Thu nhập Q2/22

 Thu nhập Q2/23

 Thay đổi TN Q2/20-Q2/19 (%)

 Thay đổi TN Q2/21-Q2/20 (%)

 Thay đổi TN Q2/22-Q2/21 (%)

 Thay đổi TN Q2/23-Q2/22 (%)

GD- ĐT

6.610

6.642

6.759

7.193

7.200

0,5

1,8

6,4

0,1

Y tế

7.304

7.363

7.223

7.520

7.596

0,8

- 1,9

4,1

1,0

Trung bình

6.801

6.285

6.684

7.150

7.206

- 7,9

7,4

7,4

1,1

Trung vị

6.791

6.137

6.602

7.183

7.190

- 7,2

5,6

7,5

1,7

Nguồn: Theo số liệu Điều tra lao động việc làm (LFS)

 

Bảng 4b. Thay đổi số lao động trong giáo dục và y tế quý 2 (2019-2023)

Ngành

 Số LĐ  Q2/19

 Số LĐ  Q2/20

 Số LĐ  Q2/21

 Số LĐ Q2/22

 Số LĐ Q2/23

 Thay đổi LĐ Q2/20-Q2/19
(%)

 Thay đổi LĐ Q2/21-Q2/20
(%)

 Thay đổi LĐ Q2/22-Q2/21
(%)

 Thay đổi LĐ Q2/23-Q2/22
(%)

GD- ĐT

2.023.045

1.910.862

1.994.301

1.904.740

1.995.264

- 5,55

4,37

- 4,49

4,75

Y tế

651.446

585.491

623.506

599.632

636.748

- 10,12

6,49

- 3,83

6,19

Trung bình

1.080.502

1.034.636

1.007.936

1.025.992

1.048.847

- 2,2

3,0

3,3

6,0

Trung vị

271.585

260.430

273.674

293.936

289.243

-  5,3

3,8

1,1

2,6

Tổng

52.733.999

50.456.830

9.281.211

50.067.796

51.098.939

- 4,32

- 2,33

1,60

2,06

Nguồn: Theo số liệu Điều tra lao động việc làm (LFS)

 

Mặc dù làn sóng dịch lần thứ 4 (quý 3/2021) đã làm đảo ngược tiến trình tăng thu nhập và lao động trong các ngành 2 chữ số, thu nhập đã quay trở lại quỹ đạo tăng trong quý 2/2022 và quý 2/2023.

Tính đến hết quý 4 năm 2020, làn sóng đại dịch đầu tiên (quý 2/2020) chỉ làm chậm tiến trình tăng thu nhập thực tế của người lao động nhưng không làm đảo ngược nó. Làn sóng đại dịch thứ 4 (quý 3/2021) đã làm đảo ngược quá trình tăng trưởng thu nhập của lao động trong các ngành 2 chữ số. Tuy nhiên, số liệu quý 2/2022 và quý 2/2023 cho thấy tiến trình thay đổi thu nhập của lao động làm công ăn lương đã quay trở lại quỹ đạo tăng trong hầu hết các ngành 2 chữ số. So sánh thu nhập thực tế của lao động giữa quý 2 các năm từ 2019 đến 2023 với cùng quý 2/2018 cho thấy phần lớn các ngành đều ghi nhận thu nhập thực tế từ lao động trong quý 2/2022 và quý 2/2023 cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018.

Chênh lệch thu nhập theo giới đã giảm so với thời gian đại dịch

Hình 1. Khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ (%)

Nguồn: Theo số liệu Điều tra lao động việc làm (LFS)

Hình 1 biểu thị hai thước đo về chênh lệch thu nhập theo giới (thu nhập của lao động nữ tính theo tỷ lệ phần trăm của lao động nam): (i) thu nhập trên mỗi lao động; (ii) theo tỷ lệ trả lương, tức là thu nhập trên một giờ làm việc. Khoảng cách giới trong thước đo thu nhập trên mỗi lao động lớn hơn so với thước đo thu nhập trên số giờ làm việc. Cả hai thước đo đều cho thấy khoảng cách thu nhập theo giới TĂNG từ năm 2019 đến năm 2021, đặc biệt trong quý 2/2021 khi thu nhập của nữ giới chỉ bằng 67,3% so với nam giới theo tiêu chí thu nhập trên mỗi lao động so với tỷ lệ của quý 2/2020 là 71%. Theo tiêu chí thu nhập trên một giờ làm việc thì tỷ lệ thu nhập của nữ trong quý 2/2021 chỉ bằng 73,3%. Tỷ lệ này đã giảm đáng kế so với tỷ lệ cùng kỳ năm 2020 là 76,1%. 

Tuy nhiên trong giai đoạn sau Đại dịch, trong khi sự chênh lệnh thu nhập giữa nữ và nam theo tiêu chí thu nhập trên một giờ làm việc không thay đổi thì khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ theo tiêu chí thu nhập trên mỗi lao động đã giảm đáng kể trong quý 2/2022. Cụ thể, khoảng cách thu nhập giữa nữ và nam đã tăng từ 67,3% trong quý 2/2021 lên 72,1% trong quý 2/2022. Thậm chí tỷ lệ 72,1% này còn cao hơn cả tỷ lệ chênh lệch trước đại dịch (quý 2/2019). Đặc biệt, số liệu quý 2/2023 cho thấy mặc dù khoảng cách thu nhập trên mỗi lao động tăng nhẹ, khoảng cách thu nhập theo giờ giữa nữ và nam đã GIẢM đáng kể khi tỷ lệ thu nhập theo giờ của nữ bằng 76,7% thu nhập theo giờ của nam. Đây là tỷ lệ cao nhất trong giai đoạn 2018 đến 2023, nghĩa là tỷ lệ này cao hơn cả giai đoạn trước khi đại dịch diễn ra.

Chênh lệch thu nhập giữa lao động phi chính thức và lao động chính thức đã giảm trong quý 2/2022 nhưng lại có xu hướng tăng lên trong quý 2/2023

          Về chênh lệch thu nhập giữa lao động chính thức (có bảo hiểm xã hội) và lao động phi chính thức (không có bảo hiểm xã hội), hai phương pháp đo lường cho thấy những bức tranh khác nhau. Nếu sử dụng thu nhập trên mỗi người lao động, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ có xu hướng GIẢM dần theo các năm 2020, 2021 và 2022.

Tương tự nếu sử dụng tỷ lệ trả lương (thu nhập trên số giờ làm việc), chênh lệch thu nhập trong quý 2/2022 cũng GIẢM so với quý 2/2021. Cụ thể, chênh lệch theo tỷ lệ trả lương theo lao động và theo giờ làm việc quý 2/2022 đã giảm tương ứng từ 67,2% và 69,7% xuống còn 73,9% và 74,9% (Hình 2).

 

Hình 2. Khoảng cách thu nhập giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức (%)

Nguồn: Theo số liệu Điều tra lao động việc làm (LFS)

          Tuy nhiên, số liệu quý 2/2023 lại cho thấy có sự gia tăng khoảng cách thu nhập giữa lao động phi chính thức và lao động chính thức theo cả hai cách tính. Theo đó, thu nhập thực tế của lao động phi chính thức tính theo người quý 2/2023 chỉ bằng 68,1% so với thu nhập của lao động chính thức và tỷ lệ này là 71,6% nếu tính theo thu nhập theo giờ. Điều đó cho thấy, mặc dù tỷ lệ lao động chính thức đã có xu hướng tăng lên trong giai đoạn gần đây nhưng vẫn cần phải có các biện pháp phù hợp để đẩy nhanh xu hướng này nhằm làm giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm trong giai đoạn tới.

Có sự suy giảm nhẹ về số giờ làm việc trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý 2/2021 có sự phục hồi mạnh mẽ về số giờ làm việc so với quý 2/2020. Tương tự, số giờ làm việc trung bình quý 2/2022 cao hơn so với quý 2/2021, cho thấy số giờ làm việc mỗi tuần đã tiếp tục tăng lên (Bảng 5). Tuy nhiên, số liệu quý 2/2023 cho thấy số giờ làm việc mỗi tuần của người lao động đã giảm so với quý 2/2022.

Bảng 5. Thay đổi số giờ làm việc 1 tuần theo ngành 2 chữ số: Thống kê mô tả

 

Q2/19 vs. Q2/18

Q2/20 vs. Q2/19

Q2/21 vs. Q2/20

Q2/22 vs. Q2/21

Q2/23 vs. Q2/22

Trung bình

- 0,29

- 5,79

4,47

1,61

-1,43

Trung vị

0,02

- 4,53

3,43

1,30

-1,43

Lớn nhất

17,48

17,11

21,96

12,18

5,56

Nhỏ nhất

-31,83

- 25,15

-10,09

-5,74

-11,46

Độ lệch chuẩn

5,96

7,16

6,43

3,41

3,13

Hệ số biến thiên

- 20,29

- 1,24

1,44

2,11

-2,20

Nguồn: Theo số liệu Điều tra lao động việc làm (LFS).

Ghi chú: Hệ số biến thiên bằng độ lệch chuẩn chia cho giá trị trung bình

3. Kết luận

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đặc biệt là làn sóng thứ tư diễn ra từ tháng 5 năm 2021 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn phục hồi khá tốt từ quý 3 năm 2020 đến hết quý 1 năm 2021. Theo TCTK, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Sự phục hồi đã thể hiện rõ trong tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2022 với tốc độ tăng trưởng lên tới 7,72% (cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây) (TCTK, 2022). Tuy nhiên, tăng trưởng GDP trong quý 2/2023 chỉ đạt 4,41% so với cùng kỳ năm 2022 do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó yếu tố lạm phát cao ở các nước như Mỹ và Châu Âu và lượng đơn hàng suy giảm trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, điện tử… Đây là mức tăng trưởng thấp trong giai đoạn 2011-2023 (chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 khi đại dịch diễn ra ở Việt Nam) (TCTK, 2023a).   

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm 2023 là 2,27% trong đó tỷ lệ thất nghiệp quý 1 là 2,25% và quý 2 là 2,3% (TCTK, 2023b). Dữ liệu điều tra lao động việc làm theo các quý từ năm 2018 đến hết quý 2/2023 cho thấy thu nhập thực tế của lao động trong quý 2/2023 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nếu như mức tăng thu nhập trong quý 2/2022 (so với quý 2/2021) diễn ra ở phần lớn các ngành hai chữ số trong nền kinh tế, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau làn sóng đại dịch đối với thị trường lao động thì mức tăng thu nhập trong quý 2/2023 (so với quý 2/2022) đã có xu hướng chậm lại và thậm chí một số ngành có thu nhập thấp hơn. Đại dịch đã làm tăng khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ cũng như khoảng cách thu nhập giữa lao động phi chính thức và lao động chính thức trong quý 2/2021 so với cùng kỳ năm 2020, song khoảng cách thu nhập này đã giảm xuống đáng kể trong quý 2/2022 so với quý 2/2021. Tuy nhiên, số liệu quý 2/2023 cho thấy so với quý 2/2022 thì khoảng cách thu nhập giữa nữ và nam cũng như khoảng cách thu nhập giữa lao động phi chính thức so với lao động chính thức lại tăng lên rõ rệt. Thêm vào đó, số giờ làm việc trong quý 2/2023 cũng đã giảm nhẹ so với quý 2/2022.  Điều đó cho thấy thị trường lao động đã có sự phục hồi tốt trong giai đoạn sau đại dịch, tuy nhiên sự phục hồi này là chưa thực sự bền vững.

 

Tài liệu tham khảo

TCTK (2022). Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2022. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/06/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2022/#:~:text=%E2%80%93%20GDP%20qu%C3%BD%20II%20n%C4%83m%202022,2011%2D2021%5B1%5D.

 TCTK (2023a). Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2023. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/06/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2023/

TCTK (2023b). Thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm quý II  năm 2023. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/06/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2023/

 

 

[1] Đây là thước đo hiệu suất trong một quý so với cùng một quý của một năm khác. Điều này được thực hiện để có thể đo lường sự tăng trưởng hoặc suy giảm mà không cần phải tính đến yếu tố thay đổi mùa vụ

[2] Tổng số lao động của nền kinh tế trong quý 2 và quý 3 năm 2021 lần lượt là khoảng 49,28 triệu người và 46,75 triệu người. Như vậy, tổng số lao động trong quý 3/2021 đã giảm khoảng 2,5 triệu lao động.

[3] https://nhandan.vn/6-thang-dau-nam-2022-khach-quoc-te-dat-602-nghin-luot-nguoi-post703108.html