A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Cho đến nay, phần lớn trong số những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đã kiệt quệ về tài chính, không còn tài sản thế chấp, trong khi đó hệ thống ngân hàng cũng gặp khó khăn khi dư thừa nguồn lực nhưng không thể cho vay. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho các nhà quản lý rằng: “khối u nào đang lớn dần trong mạch máu của nền kinh tế khiến dòng vốn bị tắc nghẽn?”. Câu trả lời phải chăng nằm ở thị trường tiêu dùng!

 

Đồng chí Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV-XV,

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam

 

Tóm tắt bài trình bày:

Nhìn lại giai đoạn 2022 đến nửa đầu năm 2023, sau khi các chính sách và gói hỗ trợ Covid-19 của Nhà nước cơ bản kết thúc, lực lượng sản xuất – kinh doanh, nhất là DNNVV tiếp tục trải qua nhiều biến động tiêu cực của thị trường thế giới và trong nước: Chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hoàn toàn được tháo trói, lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng, nguồn cung trong nước khan hiếm khiến giá cả nguyên vật liệu tăng cao, các kênh hút vốn, dẫn vốn lớn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản gặp trắc trở; các yếu tố này khiến cho lực lượng sản xuất phải gồng mình xoay xở với những đồng vốn ít ỏi còn lại của doanh nghiệp. Cho đến nay, phần lớn trong số những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đã kiệt quệ về tài chính, không còn tài sản thế chấp, trong khi đó hệ thống ngân hàng cũng gặp khó khăn khi dư thừa nguồn lực nhưng không thể cho vay. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho các nhà quản lý rằng: “khối u nào đang lớn dần trong mạch máu của nền kinh tế khiến dòng vốn bị tắc nghẽn?”. Câu trả lời phải chăng nằm ở thị trường tiêu dùng!

Nội dung bài trình bày:

I. Bối cảnh nền kinh tế

        Từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nền kinh tế Việt Nam liên tục gặp phải những thách thức, trong đó phần lớn là thách thức phi truyền thống, đã khiến cho công tác lập pháp và hành pháp ở một số thời điểm phải thích ứng nhanh chóng, có cả yếu tố đột phá lẫn mạo hiểm và chưa có trong tiền lệ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ trong ban hành và tổ chức thực hiện các quyết sách, chương trình, đề án mang tính chiến lược sâu sắc với tầm vóc cao đã góp phần quan trọng trong việc mở cửa, phục hồi nền kinh tế và vực dậy lực lượng sản xuất, kinh doanh và lực lượng lao động.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tức bình quân mỗi tháng có 19 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 100 nghìn doanh nghiệp, tức bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ.

Nhìn vào các con số trên có thể thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều hơn không đáng kể so với số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhưng xu hướng phát triển của doanh nghiệp (tính theo số lượng) đang đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo khảo sát cuối tháng 6 của Tổng cục thống kê thì chỉ có khoảng từ 18,5-28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý II tốt hơn quý I; 36,2-43,2% đánh giá tình hình ổn định, và 27,4-36,2% đánh giá tình hình sụt giảm. Điều này cũng thể hiện rõ sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh.

Ngoài vấn đề về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu thì có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng cán bộ ngân hàng gây khó dễ còn tồn tại. Có không ít doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị giảm lãi suất cho vay đối với đồng Đô la Mỹ để tăng tính cạnh tranh quốc tế nhằm trụ vững doanh nghiệp trước khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào Quý III/2023.

Về góc độ tín dụng, mặc dù từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần lãi suất với mức 0,5-2%/năm, thậm chí các NHTM đang dư tiền trong ngân hàng nhưng không thể cho vay. Từ góc nhìn kỹ thuật, đến ngày 30/6/2023 cung tiền M2 mới chỉ tăng được 2,7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp. Bên cạnh đó, vòng quay tiền trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,67 lần, tức tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt là trên 1 thì rõ ràng vòng quay tiền chậm.

Hiện nay trong bối cảnh phục hồi lại xuất hiện hai ngich lý, đó là: (1) các ngân hàng đang phải ôm một lượng tiền gửi lớn chưa từng có của người dân từ trước đến nay[1], trong khi tín dụng tăng chậm dù lãi suất cho vay giảm; (2) Tiền dư, lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng không thể tiếp cận. Vậy nguyên nhân từ đâu?

II. Phân tích nguyên nhân

Vấn đề “tồn kho” vốn tín dụng có thể cơ bản nhìn ở 03 khía cạnh chính sau đây:

Thứ nhất, tình hình kinh tế chưa hẳn phục hồi khi chính trị thế giới (giữa Nga – Ukraine) còn phức tạp, làm ảnh hưởng nguồn cung, đơn hàng và giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu. Ở trong nước, cầu đầu tư chưa có tiến triển tích cực do các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản và trái phiếu vẫn “tê cứng”; song song với đó là nhiều dự án có sức lan tỏa cao cũng chưa được triển khai, kể cả những dự án đầu tư công, bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội mặc dù NHNN đã tạo điều kiện về tín dụng, dẫn đến cầu tiêu thụ và cầu tín dụng không thể tăng cao.

Thực trạng cho thấy có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, mặt khác có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay. Vậy, phải chăng việc khai thông nguồn vốn tín dụng không chỉ hướng tới các đối tượng có nhu cầu vay mà phải hướng tới cả các đối tượng có tiền mang đi gửi ngân hàng do chưa biết phải đầu tư vào đâu. Nói một cách khác là làm sao để họ rút tiền gửi và lưu thông vào thị trường.

Thứ hai, dường như khẩu vị rủi ro của các NHTM đang có sự thay đổi. Rõ ràng tính đến cuối tháng 6/2023, các NHTM đã cho vay đối với DNNVV gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Đây là con số không hề nhỏ nhưng thực tế tình hình cho vay 3 tháng gần đây lại có xu hướng khó khăn hơn. Phải chăng các NHTM đang dự báo tình hình tăng trưởng của thị trường khác so với dự báo của doanh nghiệp.

Thứ ba, thực trạng yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh từ phía DNNVV là không thể phủ nhận, thậm chí là chậm tiến bộ. Đây là một trong ba mấu chốt (cộng với hai mấu chốt nêu trên) khiến cho các NHTM và DNNVV chưa thể xây dựng lòng tin với nhau để từ đó tăng cường hoạt động cho vay tín chấp. Về bản chất, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khi cảm thấy yên tâm về sức khỏe của người đi vay thì họ chắc chắn sẽ không từ chối.

III. Đề xuất hướng giải pháp

Một số vấn đề cần khẳng định:

(1) Tình hình kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn do cả yếu tố trong nước (như tắc nghẽn thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp cũng như tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công) và yếu tố ngoài nước (như chiến sự Nga – Ukraine khiến lạm phát khó kiểm soát và nguồn cung, đơn hàng bị ảnh hưởng). Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều thời cơ để phục hồi phát triển từ xu hướng dịch chuyển đầu tư cũng như những cơ hội kinh doanh khác từ vị thế chính trị đang lên của Việt Nam.

(2) Việc lựa chọn khẩu vị rủi ro đối với NHTM là quyền được pháp luật quy định. Do vậy, khó khăn của doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng không thể hoàn toàn quy chụp cho các NHTM. Mẫu chốt của giải pháp là khai thông thị trường, kích thích tiêu dụng, nhất là tiêu dùng trong nước.

Trên cơ sở đó, kiến nghị một số giải pháp sau:   

1. Về phía Nhà nước

- Vai trò dẫn lối của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. Với nguồn lực có hạn, Nhà nước nên tập trung tháo gỡ những nút thắt “nóng”, có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Chẳng hạn như thúc đẩy lĩnh vực đầu tư công và bất động sản, đây là những khu vực có khả năng lan tỏa cao và trước mắt cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp "thích thú với nhà ở xã hội", tạo điều kiện cho DNNVV được tham gia ít nhất 30% vào các dự án đầu tư công để từ đó huy động được đa dạng nguồn lực xã hội.   

- Phải phát huy vai trò của các tổ chức tập thể, tổ chức đại diện như Liên minh hợp tác xã, Tổng Liên đoàn lao động và các Hiệp hội/hội doanh nghiệp nhằm tăng cường liên kết, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa thông qua các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí lệ phí…

- Nhanh chóng sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV theo chiều sâu, xác định lại ngành nào, lĩnh vực nào và cơ chế nào có thể kéo 100 triệu dân đi lên để từ đó ban hành cơ chế, chính sách phù hợp cho cộng đồng DNNVV phát triển thực chất, ổn định, lâu dài.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán ; nghiên cứu mở rộng, tạo điều kiện cho các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần và các mô hình hoạt động fintech; đồng thời xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách như quỹ Bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, quỹ đổi mới khoa học công nghiệp…

- Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về các tổ chức tín dụng và quyết tâm loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sân sau trong hoạt động ngân hàng để lành mạnh hóa thị trường vốn tín dụng.

- Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ DNNVV, trong đó đẩy mạnh vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay;

2. Về phía ngành Ngân hàng

­- Sớm trình dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 35 (năm 2016), Nghị quyết 58 (năm 2023) của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN, DN tư nhân, nghiên cứu mở rộng các chương trình cho vay đối với DNNVV; chủ động, thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả hoạt động cho vay ở các địa phương; cương quyết xử lý các trường hợp cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp.

- Xem xét giảm các điều kiện cho vay; đồng thời làm việc với các Quỹ Bảo lãnh tín dụng nghiên cứu, sửa đổi cơ chế phối hợp trong bảo lãnh cho vay theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục chồng lấn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

- Tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất trên cơ sở ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, kiểm chế lạm phát và giữ ổn định tỷ giá.

3. Về phía doanh nghiệp

- Chủ động tìm kiếm bạn hàng và các cơ hội làm ăn kinh doanh mới; đồng thời nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính để làm cơ sở cho các NHTM xem xét cho vay.

- Chủ động phối hợp với các tổ chức đại diện cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh tới các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Nhận xét:

Các năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của thể chế đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là 1 trong 3 khâu đột phá. Trong đó, “thể chế chất lượng cao” là nội hàm và yêu cầu mới để tạo lập hành lang pháp lý vững chắc trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, trong đó có nguồn lực tài chính và vốn. Thể chế chất lượng cao là yếu tố tiền đề để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Với bối cảnh hiện nay, ngoài những tác động khách quan từ thị trường thì các cơ chế, chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn… Do vậy, đứng ở cả góc độ của cả Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề tín dụng hiện nay không thể giải quyết bằng ý chí của một bên mà các bên cùng phải lắng nghe, đứng vào vị trí của nhau để cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Về quan điểm cá nhân, việc giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Mấu chốt là Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cần làm sao hỗ trợ, nâng tầm doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng để giải quyết 2 vấn đề: (1) DNNVV có khả năng tự tìm kiếm cơ hội phát triển một cách bền vững, thay đổi tư duy kiếm cơm qua ngày; (2) DNNVV có khả năng đáp ứng được yêu cầu cho vay (cụ thể là khả năng công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh…). Để làm được điều đó thì vai trò dẫn lối của Nhà nước trong khai thông thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp là hết sức quan trọng.

Điều này có nghĩa rằng: nếu Nhà nước chỉ quan tâm đến chính sách tiền tệ thì tác động đến thị trường là không đủ. Do vậy cần nghiên cứu kết hợp cả chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính sách trong thời gian tới./.

 

[1] tính đến cuối tháng 4, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỉ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.