A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững

GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng rất thấp, chỉ đạt mức 3,72%, trong đó quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách và sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt. Cần có sự chung tay của các DN, các cơ quan liên quan để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2023 và của giai đoạn 2021 - 2025.

 

                                                Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

                                                 Đinh Nguyễn Thanh Huyền-Học viện Tài chính

 

       GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng rất thấp, chỉ đạt mức 3,72%, trong đó quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%. Các động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế như hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư công chưa đạt kết quả mong muốn. Các doanh nghiệp trong nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lãi suất và lạm phát cao, thương mại quốc tế giảm sút, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của một số ngành hàng. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách và sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt. Cần có sự chung tay của các DN, các cơ quan liên quan để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2023 và của giai đoạn 2021 - 2025.

Từ khóa:Tăng trưởng kinh kinh tế, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư…

1. Tình hình tăng trưởng kinh tế  của Việt Nam trong năm 2023

 Có thể thấy mức tăng trưởng kinh tế 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023 là chỉ số rất thấp trong hàng chục năm nay khi so sánh với cùng kỳ của những năm trước, trừ những năm bị đại dịch Covid-19. Với 3 động lực chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng thuận lợi hơn so với nửa đầu năm cho dù vẫn còn nhiều khó khăn.

a.Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu

     Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được coi là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua. Tăng trưởng xuất khẩu cao đã trở thành trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế, cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Trong điều kiện trình độ phát triển khoa học, công nghệ còn thấp, chính sách nhập khẩu trong thời gian qua đã tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, giải quyết sự thiếu hụt về nguyên, nhiên liệu, máy móc thiết bị. Nhập khẩu hàng hóa đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện trình độ công nghệ của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao hơn, rẻ hơn và tiện lợi hơn…

        Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2023 đã sụt giảm nghiêm trọng so cùng kỳ năm 2022. Trong 8 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm mạnh 13,1%, trong đó xuất khẩu giảm 10 %, nhập khẩu giảm đến 16,2% so cùng kỳ năm 2022. Xem xét tình hình xuất khẩu từng tháng, hầu hết các tháng đều có kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước thể hiện sự cố gắng của các DN, (trừ tháng 1 và tháng 4 có mức giảm sâu). Do vậy, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm sút, nhưng mức giảm sút đang giảm dần. Đặc biệt là từ tháng 7,8/2023 do nhiều ngành như dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện đã có thêm các đơn hàng, kim ngạch XNK đã tăng mạnh, từ đó giúp kim ngạch XNK của Việt Nam tiến gần hơn đến mức XNK của năm 2022.

 

Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023

 

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

Tổng

KNXK      (tỷ USD)

25,08

25,88

29,57

27,54

29,05

29,3

29,68

32,37

227,71

So tháng trước   (%)

- 13,6

+ 9,8

+13,5

-7,3

+4,3

+4,5

+0,8

+7,7

 

So cùng kỳ năm trước (%)

- 21,3

+11

-14,8

-17,1

-5,9

-11,4

-3,5

-7,6

-10%

KNNK   (tỷ USD)

21,48

23,58

28,92

26,03

26,81

26,71

27,53

28,55

207,52

So tháng trước

- 21,3

+2,3

+24,4

-8,1

+6,4

+2,6

+4,4

+5,7

 

So cùng kỳ năm trước (%)

- 28,9

-6,7

-11,1

-20,5

-18,4

-16,9

-9,9

-8,3

-16,2%

Cán cân TM (tỷ USD)

+3,6

+2,3

+0,65

+1,51

+2,24

+2,59

+2,15

+3,82

+20,19

Tổng KNXNK    (tỷ USD)

46,56

49,46

58,49

53,57

55,86

56,01

57,21

60,92

435,23

                                                                                   Nguồn: GSO

        Việc sụt giảm kim ngạch XNK trong các tháng đầu năm 2023 do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, hầu hết các quốc gia đều áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới từng bước phục hồi chậm chạp trong điều kiện lãi suất cao, lạm phát giảm chậm. Điều này đã ảnh hưởng đến cả cầu cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước.

     Trước hết, lạm phát toàn cầu đã có xu hướng giảm thấp, nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao. Lạm phát toàn cầu trung bình so với cùng kỳ năm trước ở mức 7,2% trong tháng 4/2023, giảm so với mức cao nhất 9,4% trong tháng 7/2022. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 5/2023 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 4,0%. Tại châu Á, lạm phát tháng 5/2023 của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 0,53%; Hàn Quốc tăng 3,3%; Inđônêsia tăng 4,0%; Philippin tăng 6,1%; Lào tăng 38,86%. Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

     Thứ hai, những cú sốc về nguồn cung và sự gián đoạn nguồn cung dầu và các nguyên liệu do xáo trộn địa chính trị tác động dai dẳng đến thị trường toàn cầu đã làm tăng giá hàng hóa nhiều mặt hàng. Giá năng lượng, nguyên vật liệu cao hơn sẽ chuyển sang giá tiêu dùng và làm kỳ vọng lạm phát tăng lên. Trong khi sản xuất hồi phục chậm chạp, cầu sản xuất và tiêu dùng đều bị thu hẹp. Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chiếm tới 37% cho nên chi phí sản xuất tăng cao thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

     Thứ ba, trong Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, thể hiện rõ nét ở sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo đạt 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 % so với dự báo trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, lực cản từ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đang ngày càng rõ ràng, đặc biệt trong các hoạt động có yếu tố lãi suất nhạy cảm hơn như đầu tư kinh doanh và nhà ở, bao gồm cả xây dựng.   

    Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 6/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng nhận định, mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện trong những tháng đầu năm, nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn yếu và lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,7%, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. WB nhận định tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Cùng với việc nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hang không thiết yếu cũng sụt giảm, hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục suy giảm trong nửa cuối năm 2023.

         Thứ tư, trong thực tế tại Việt Nam, có một số ngành hàng chưa thay đổi kịp thời mẫu mã, hình thức, chất lượng và chưa theo kịp các thay đổi phù hợp thị hiếu và xu thế thị trường, nên đã bị một số đối tác giành mất đơn hàng. Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn cao và lãi suất tăng cao sẽ làm nhu cầu đầu vào của sản xuất thu hẹp và khả năng chi tiêu của nền kinh tế các quốc gia trên thế giới giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

        Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Tình trạng suy giảm đơn hàng của ngành dệt may đã thể hiện rõ trên số liệu xuất khẩu sản phẩm dệt may 6 tháng đầu năm đạt giá trị 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Xét theo thị trường, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất, với mức giảm 271% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu vào EU giảm 6,2%; Canada giảm 10,9%, Hàn Quốc giảm 2%... Đối với nhóm mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện, đến 15/6/2023, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,94 tỷ USD; trong khi đó, điện thoại và linh kiện chỉ đạt 21,93 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2022, cả 2 nhóm hàng đều có kim ngạch sụt giảm hàng tỷ USD. Cụ thể, điện thoại và linh kiện giảm 5,11 tỷ USD, tương ứng giảm 18,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,74 tỷ USD, tương ứng giảm 7%...Đây là sự sụt giảm đáng quan ngại của những ngành hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm trước. Nhưng từ tháng 7/2023 xuất khẩu đã tăng lên, đặc biệt mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32% so với cùng kỳ, các đơn hàng rất nhiều, từ đó làm cho hoạt động xuất khẩu tăng lên đáng kể. Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, may mặc đã có lại các đơn hàng xuất khẩu, hay xuất khẩu nông sản cũng tăng mạnh, rõ ràng hoạt động xuất khẩu đang tốt lên.

         Thứ năm, do FED tăng lãi suất điều hành lên mức 5% - 5,25%, cao nhất trong 22 năm làm USD lên giá so với các đồng tiền khác. Trong khi đồng Việt Nam giữ ổn định so với đồng USD, nghĩa là đồng Việt Nam cũng lên giá so với các đồng tiền khác. Khi đồng Việt Nam tăng giá so với các đồng tiền khác, nếu nhập khẩu từ các quốc gia đó Việt Nam được lợi còn xuất khẩu vào sẽ phải chịu thiệt hại. Các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU, Nhật Bản, Trung Quốc đang phải gánh chịu những thiệt hại lớn. Điều này sẽ gây khó khăn cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu vào những thị trường này và các thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay chỉ gần 30% hợp đồng xuất khẩu được ký bằng các ngoại tệ khác như đồng JPY (Nhật Bản), CNY(Trung Quốc), KRW (Hàn Quốc), EUR hay GBP. Nhưng một lượng lớn các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam lại xuất phát từ Trung Quốc, Hàn Quốc,…Đồng thời, hơn 70% hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ký kết bằng USD nên nếu giữ ổn định được đồng Việt Nam so với  USD nghĩa là đã giữ ổn định được với hơn 70% các hợp đồng XNK. Việc giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD cũng có thể gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa.

b. Về tổng cầu tiêu dùng trong nước

   Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các DN sản xuất, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với thị trường 100 triệu dân, có mức thu nhập bình quân tăng lên nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng trung và cao cấp ngày càng cao, thì việc nắm bắt và đáp ứng các nhu cầu của thị trường nội địa là công việc đáng được các DN quan tâm.

          Trong điều kiện đơn hàng xuất khẩu giảm sút ở nhiều ngành hàng như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm điện tử… đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.

    Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) có mức sụt giảm mạnh trong tháng 1 và tháng 3/2023 so với tháng trước và so cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, các tháng còn lại chirỉ số này đều tăng nhưng so cùng kỳ năm 2022 vẫn giảm 0,4%.

Bảng 2. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2023

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

8 tháng

IIP so tháng trước (%)

-14,6

+5,1

-0,82

+3,6

+2,2

+2,0

+3,9

2,9

 

IIP so cùng kỳ năm trước (%)

- 8,0

+3,6

-2,2

+0,5

+0,1

+2,8

+3,7

2,6

-0,4

IIP CN CBCT cùng kỳ năm trước         (%)

-9,1

-6,9

-2,4

-2,1

-2,5

-1,6

+3,6

+0,6

-0,6

                                                                                                    Nguồn: GSO

    Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì mức sụt giảm  liên tục từ đầu năm so với cùng kỳ năm trước cho đến tháng 6/2023. Từ tháng 7,8/2023 mới bắt đầu có mức tăng trưởng dương so cùng kỳ năm trước.

       Sự thiếu hụt các đơn hàng xuất khẩu làm cho nhập khẩu giảm sút, hàng tồn kho bình quân 6 tháng tăng đến 83,1%, sản xuất tăng trưởng chậm, công nhân thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh đã làm cho tổng cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm.

         Nếu xem xét về số tuyệt đối và số tương đối so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các tháng đều tăng (có sụt giảm chỉ trong tháng 2/2023). Nếu xét về chỉ số mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so cùng kỳ năm trước, các tháng đều có sự tăng trưởng.

Bảng 3. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2023

 

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nghìn tỷ)

544,8

481,8

501,3

510,7

519

505,7

512,2

515,4

4.043,9

So tháng trước (%)

+5,2

-6,0

+ 2,0

+3,7

+1,5

+0,5

+1,1

+0,9

 

So cùng kỳ năm trước(%)

+20

+13,2 

+13,4

+11,5

+11,5

+6,5

+7,1

+7,6

+10

                                                                                  Nguồn: GSO

Tuy nhiên, chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm đáng kể, tháng 1/2023 mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20%; tháng 2 còn 13,2%, tháng 3 giảm còn 13,4%; tháng 4, tháng 5 giảm xuống 11,5%, đến tháng 6 giảm còn 6,5%.

Việc Quốc hội, Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023, cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãn hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các DN … của chính sách tài khóa, đang tạo điều kiện rất lớn giúp cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu. Với việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, thu nhập của một bộ phận người dân tăng lên, cũng kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế tăng trưởng. Hơn nữa, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NHTM đã giảm nhiều, từ đó thúc đẩy sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, kể cả đi vay hay các hoạt động huy động vốn, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phục hồi nhanh hơn, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu tiêu dùng trong nước. Từ tháng 7/2023 chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có mức tăng 7,1% và tháng 8 đã có mức tăng 7,6%, chấm dứt đà suy giảm của chỉ số này.

c. Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công

        Trong điều kiện nền kinh tế vừa trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm của thương mại quốc tế, các DN trong nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì hoạt động đầu tư công trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được Quốc hội và Chính phủ giao là 804.420,3 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng (không bao gồm 12.887,2 tỷ đồng chưa giao). Mức đầu tư công năm 2023 cao hơn mức đầu tư công được giao năm 2022 gần 30%.

     Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ngay từ tháng 1/2023 tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đã phân bổ được trên 638.613 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 707.044 tỷ đồng). Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương do các địa phương giao tăng trên 36.180 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 602.432 tỷ đồng, đạt trên 85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

      Mặc dù, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã quán triệt cần đẩy mạnh hoạt động đầu tư công ngay từ ngày đầu năm để có thể giải ngân 95%-98% số vốn được giao trong năm, nhưng hoạt động giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm chạp.

          Tính đến ngày 31/1/2023 ước giải ngân trong tháng là 12.819,57 tỷ đồng, đạt 1,72% kế hoạch và đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân được 2.800 tỷ đồng; các địa phương dự kiến giải ngân được trên 10.019 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương. Vốn nước ngoài chưa giải ngân.

        Hết tháng 2/2023, giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm đạt trên 49.247 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 6,55% kế hoạch vốn giao). Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 6,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%). Trong đó, vốn trong nước đạt 7,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,22%), vốn nước ngoài đạt 0,40% (cùng kỳ năm 2022 đạt 0,20%).

      Theo Bộ Tài chính, trong tháng 2/2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

          Giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2023 còn thấp, đạt 73.192,092 tỷ đồng, tức đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%). Theo đó, vốn trong nước là 72.231,249 tỷ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 2.052,168 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch); vốn nước ngoài là 960,843 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch.

       Trước tình hình giải ngân đạt thấp, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2023 và công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023. Đồng thời, trong tháng 4/2023, Chính phủ đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương. Điều này đã góp phần thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành, địa phương.

        Đến ngày 30/4/2023 giải ngân vốn đầu tư công là 110.633,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14,66% kế hoạch, tức đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 17,09% kế hoạch và đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: Vốn trong nước là 108.877,97 tỷ đồng (đạt 14,98% kế hoạch và đạt 16,03% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 1.755,6 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch). Rõ ràng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến, tháng 4/2023 đạt khoảng 37 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần bình quân 3 tháng đầu năm (khoảng 24 nghìn tỷ đồng/tháng).

         Đến ngày 31/5/2023 giải ngân vốn đầu tư công là 157.095,4 tỷ đồng, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), tuy nhiên số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỷ đồng (35,5%); trong đó vốn trong nước đạt 22,64% (cùng kỳ năm 2022 đạt 23,53%), vốn nước ngoài đạt 12,02% (cùng kỳ năm 2022 đạt 6,26%).

          Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/6/2023 là 215.579 tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về tỷ lệ (27,75%) và về số tuyệt đối (hơn 65.163 tỷ đồng). Qua đó cho thấy sự chuyển biến tích cực trong giải ngân đầu tư công.

          Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7 đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2022, bao gồm: vốn Trung ương quản lý đạt 10,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8%; vốn địa phương quản lý 47,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6%. Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%). Điều này cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong giải ngân đầu tư công.

            Vốn đầu tư công giải ngân trong tháng 8 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 352,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 bằng 47,6% và tăng 17,1% so cùng kỳ 2021).

         Như vậy, số vốn giải ngân đầu tư công 8 tháng tăng hơn khá hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (352,1 nghìn tỷ đồng so với khoảng 212,2 nghìn tỷ đồng, nếu tính về tỷ lệ là 49,4% so với 47,6%). Tuy nhiên số vốn đầu tư công cần giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất lớn, khoảng 370 nghìn tỷ đồng đang đòi hỏi sự quyết liệt trong thực hiện các biện pháp để có thể thực hiện chỉ tiêu giải ngân 95%-98% mà Chính phủ đề ra để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

      d. Hoạt động dịch vụ, du lịch và đầu tư nước ngoài

       * Trong năm 2023, hoạt động dịch vụ, du lịch  đã có bước hồi phục nhanh chóng, tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 395,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16,3% và du lịch lữ hành tăng 53,6%.

          Doanh thu hoạt động dịch vụ, du lịch tăng cao do số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng trong mùa cao điểm. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so với tháng trước và gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần năm trước. Như vậy, chỉ sau 7 tháng, ngành du lịch Việt Nam đã đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế, nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm. Đặc biệt lượng khách nước ngoài sẽ tăng cao khi chính sách visa mới được áp dụng với khách nước ngoài.

Bảng 4. Số lượng khách nước ngoài đến Viêt Nam 8 tháng năm 2023

 

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

Tổng

Khách NN (nghìn)

871,2

933

895,4

984,1

916,3

975

1.000

1.200

7.800

So tháng trước (%)

+23,2

+7,1

- 4

+9,9

-6,9

+6,4

+6,5

+17,2

 

so cùng kỳ năm trước (%)

+4.420

+3.160

+2.150

+1.920

+530

+410

+290

+250

 

                                                                                     Nguồn: GSO

        Khách nội địa tháng 7/2023 ước đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 7 tháng năm 2023 ước đạt 76,5 triệu lượt người; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.

     * Đồng thời, trong nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài vẫn đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, dù dịch bệnh Covid-19 bừng phát và các khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư quốc tế sụt giảm nghiêm trọng, nhưng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn tương đối ổn định. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam vẫn tăng qua các năm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022.

2. Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm 2023 và năm 2024

         Việc Chính phủ thực hiện hàng loạt các giải pháp quyết liệt cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023, cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãm hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước…hay việc VND từ đầu năm đến nay vẫn giữ ổn định,tương đối so với USD và Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm 2%-3%, từ đó thúc đẩy việc sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phục hồi nhanh hơn, giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận vừà tăng khả năng cạnh tranh cho sản xuất, vừa kích cầu tiêu dùng. Từ tháng 7/2023 xuất khẩu hàng hóa đã tăng lên, mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, may mặc đã có lại các đơn hàng xuất khẩu, hay xuất khẩu nông sản cũng tăng mạnh, đặc biệt mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32% so với cùng kỳ, các đơn hàng nhiều hơn, từ đó làm cho hoạt động xuất khẩu tăng lên đáng kể. Cùng với việc vốn đầu tư công được giải ngân tốt hơn, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ổn định, cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện rõ nét, hoạt động dịch vụ, du lịch có đà tăng trưởng mạnh mẽ, khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra có thể được hoàn thành.

Có thể đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 như sau:

         Kịch bản 1: Các cân đối vĩ mô vẫn giữ ổn định, VND ổn định với USD, các điều kiện không phải quá tốt, thực hiện ở mức bình thường, như: xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% trở lại, đầu tư công giải ngân không được cao, chậm trễ đến tháng cuối năm mới giải ngân được; chỉ số tiêu dùng trong nước có tăng nhưng ở mức thấp 10 - 12%; đầu tư nước ngoài không tăng trưởng mạnh hơn; giá cả tiêu dùng trên thế giới với một số mặt hàng như xăng dầu tăng ở mức cao hơn, lấy mức dầu thô tăng vượt mốc 85 USD/thùng, thì mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,3 - 6,7%, lạm phát nằm trong khoảng 3,3 - 3,5%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,5% - 7% GDP.

       Kịch bản 2: Nếu thực hiện tốt tất cả các động lực tăng trưởng, đó là tăng trưởng xuất khẩu đạt 18 - 20% từ nay đến cuối năm, giải ngân đầu tư công tháng 8, 9 giải ngân nhanh, đạt 75 - 80% trong quý III, vòng lan tỏa của giải ngân đầu tư công tốt hơn; chỉ số tiêu dùng trong nước đạt mức như năm 2022 (khoảng 19,5%); đầu tư nước ngoài thực hiện tốt; các vấn đề an sinh xã hội được giả quyêt tốt; giá dầu thô vẫn giữ ở mức 70 - 85 USD/thùng và các chi phí khác không tăng quá cao thì Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8 - 7,4%, lạm phát nằm trong khoảng 3,5 - 3,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 7,0% - 7,5% GDP.

     Để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tê trong năm 2023 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.

- Cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị VND, kiềm chế lạm phát; kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân.

- Trước những khó khăn rất lớn trong năm 2023, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cần chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao để gắn bó lâu dài. Các doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các Hiệp hội để tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, Trung ương, các Hiệp hội và địa phương cũng như các tổ chức tín dụng để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, các DN cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hợp đồng, cam kết, liên kết thương mại mới, tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng, trên cơ sở đó sẽ giúp đa dạng hóa, mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng mới.

- Trước xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trên thế giới và để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường các nước phát triển, các DN cần đẩy mạnh quá trình “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh, thực hiện tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu, năng lượng một cách tốt nhất. Bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, tiết giảm đến mức tối đa các chi phí, thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng những biện pháp lâu dài, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng vào kinh doanh.

        Cùng với đó, phía Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu hoạt động “xanh hóa” của các DN. Hiện nay có rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện xanh hóa sản xuất, số hóa sản xuất. Nếu như các doanh nghiệp biết tận dụng những cơ hội này sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được các nguồn vốn, hưởng được lợi ích lãi suất giá rẻ và các ưu đãi khác. Khi ấy, đương nhiên hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp này sẽ được duy trì liên tục, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các quốc gia, vòng xoay dòng tiền của doanh nghiệp cũng ổn định để phát triển.

- Trong điều kiện khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN cần phải tận dụng thời cơ để tiến hành thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại. Đây là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

       Khi các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu chung của cộng đồng quốc tế, cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, thì việc áp dụng công nghệ số là con đường ngắn nhất để giúp những doanh nghiệp này đi trước đón đầu và trở thành người chiến thắng nhờ việc tổ chức và thực hiện số hóa hoạt động quản lý, kinh doanh, sản xuất,… Việc đầu tư vào công nghệ số hóa không hoàn toàn phục vụ mục đích lợi nhuận trước mắt, mà là cơ hội cho chặng đường phát triển công ty bền vững và lâu dài.

       Việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề hết sức cấp bách, tuy nhiên để các doanh nghiệp thực hiện được cũng không phải là dễ, bởi liên quan đến số hóa đòi hỏi phần tự động hóa, thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống mạng, nâng cấp hệ thống thông tin,… Tức là công việc đầu tiên là phải gắn với số hóa từ mạng chung cho đến mạng nội bộ và phải được thực hiện đồng bộ.

        Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đòi hỏi phải có đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trên. Nhu cầu này thời gian qua dù các cơ sở đào tạo đã đáp ứng được phần nào, nhưng khách quan thì vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là các chuyên gia có thể ứng dụng được công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong nền kinh tế.

     Ngoài ra, phải có được sự đầu tư một cách thỏa đáng về các thay đổi trong từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, để thích ứng với việc số hóa nền kinh tế. Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ số, đã có rất nhiều các doanh nghiệp thành công nhờ chuyển đổi số, tìm cơ hội vượt qua thách thức để phát triển. Nhưng cần triển khai một cách mạnh mẽ, nhanh chóng,  đồng bộ và có sự liên thông tốt nhất giữa các Bộ, ban, ngành và các DN.

- Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khâu, trước hêt, Bộ Công thương cùng các thương vụ Sứ quán và các Hiệp hội ngành hàng cần nắm lại các thị trường truyền thống để từ đó tìm hiểu nguyên do giảm sút đơn hàng, sự thay đổi các điều kiện nhập khẩu cho các sản phẩm, sự thay đổi thị hiếu,… tự điều chỉnh mình và có thể tận dụng được các cơ hội. Nếu có thể ký được các đơn hàng cho năm mới 2024 sẽ rất tốt. Nhưng việc này sẽ rất khó, vì các DN nhập khẩu của thị trường này không chỉ giảm sức mua mà một số ngành hàng đã quay sang ký đơn hàng với các DN của quốc gia khác. Cũng rất cần nắm bắt và ký kết những đơn hàng ngắn hạn, nhỏ lẻ ở một số ngành nghề, lĩnh vực để làm đầu cầu tiếp xúc và nắm lại thị trường truyền thống.

Thứ hai, Bộ Công Thương, các Tham tán thương mại tại các Đại sứ quán trong thời gian qua đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tuy nhiên, tốc độ chưa được như mong muốn. Do đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với các hiệp hội ngành nghề xem xét lại việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho DN Việt Nam, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA,  tận dụng cơ hội hàng rào thuế quan hạ thấp, hàng rào phi thuế quan được bãi bỏ để nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Việt Nam đã ký kết 17 FTA, nhưng việc tận dụng còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 30%. Bên cạnh đó, cần mở rộng sang cả các thị trường khác nữa, ngoài các thị trường đã ký FTA. Cần chú trọng vào các nhóm mặt hàng chủ lực như công nghiệp chế biến chế tạo, máy tính, điện tử... Đây là các mặt hàng có giá trị cao, mang lại kim ngạch và giá trị lớn.

Thứ ba, cần sự phối kết hợp giữa các ngành nghề trong nước để giảm được chi phí logistics, chi phí lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, để từ đó hạ chi phí, giá thành và giúp cho giá cả của hàng hóa khi xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước có thể cạnh tranh được. Đẩy mạnh xuất khẩu từ đó sẽ thúc đây hoạt động nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân, có mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng đang có nhu cầu rất lớn về nhiều mặt hàng tiêu dùng nhưng các sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam chưa đáp ứng được vấn đề về mẫu mã, chất lượng, giá cả, khâu bảo trì bảo dưỡng, khuyến mại chưa như mong muốn. Bộ Công Thương cần đồng hành cùng các hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai chương trình “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách thiết thực, hiệu quả. Bộ Công thương cùng cần các Bộ , ngành liên quan hỗ trợ các DN  thực hiện các chương trình đăng ký, quảng bá sản phẩm vùng miền… giúp tiêu thụ các sản phẩm tốt hơn, nhất là việc liên kết giữa các ngành nghề, từ khâu vận chuyển cho đến logistics, kho bãi, các siêu thị… để giảm thiểu các chi phí lưu kho, lưu bãi, chi phí trung gian và có thể giảm được giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó cần tiếp tục bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

- Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Để thúc đẩy hoạt động đầu tư công trong năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, có đủ căn cứ khoa học và pháp lý để lập kế hoạch đầu tư công năm 2024. Việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội cần được thực hiện sớm theo đúng quy trình. Các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công các dự án đầu tư công. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợ chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá, định mức… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công. Cần xem xét thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, các chương trình, các bộ ngành và địa phương để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn.

- Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quy trình và thời hạn visa cho khách du lịch nước ngoài, có sự đổi mới trong cơ chế, chính sách để tăng cường phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch. Cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch cả về nghiệp vụ và nguồn lực tài chính. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động dịch vụ, du lịch. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

- Cần tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Cần thay thế chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư bằng việc hoàn thiện môi trường đầu tư và các biện pháp phù hợp nhằm giảm chi phí cho các DN. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút ĐTNN.

Với quyết tâm vượt mọi khó khăn, tìm kiếm cơ hội để hồi phục và tăng trưởng của các DN, sự vào cuộc rất kiên quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn của các cơ quan thực thi pháp luật, sự đổi mới kịp thời các cơ chế chính sách của nền kinh tê, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2023 và giai đoạn 2020 -2025 sẽ được hoàn thành thắng lợi./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đinh Trọng Thịnh (2022), Kìm chế lạm phát các tháng cuối năm 2022 - Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “ Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, do UB Kinh tế của Quốc hội, Ban kinh tế TƯ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tổ chức (18/09/2022).

2. Đinh Trọng Thịnh (2023), Thành tựu kinh tế 2022 và triển vọng 2023 - Hội thảo Tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính năm 2022 và triển vọng, do Viện CL&CS Tài chính, Bộ Tài chính và Học viện Tài chính tổ chức (tháng 01/2023).

3. Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội: Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

4. Tổng cục thống kê (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các tháng 1,2,3,4,5,6,7,8 năm 2023