Thông tin chung

Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 57 Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Diễn đàn sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự kiến khoảng 350 - 400 đại biểu tham dự trực tiếp.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 dự kiến diễn ra trong 01 ngày, vào Thứ Ba, ngày 19 tháng 9 năm 2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 57 Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. 

 

Diễn đàn Kinh tế - xã hội là hoạt động thường niên của Quốc hội. Năm 2022, thực hiện chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế. Diễn đàn đã cung cấp thêm luận cứ phục vụ công tác thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và bổ sung thêm nguồn thông tin đầu vào quan trọng phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, đồng thời cũng là năm thứ hai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, xung đột quân sự Nga - U-crai-na kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu rủi ro hơn sau đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ... Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam hiện tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Trong nước, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp rất nhiều khó khăn với hầu hết các động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; việc làm, thu nhập của người lao động bị cắt giảm, bảo hiểm xã hội chịu nhiều áp lực,… Những tồn tại, hạn chế trên gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 là rất cần thiết nhằm đánh giá toàn diện tình hình thế giới và trong nước, đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, qua đó tìm kiếm các giải pháp, chính sách để tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực, kiến tạo động lực, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 và các nghị quyết khác của Quốc hội. Đồng thời, các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sắp tới.

 

1. MỤC ĐÍCH

- Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội... về tình hình thế giới và trong nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhằm phân tích, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, qua đó tìm kiếm các giải pháp, chính sách để tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực, kiến tạo động lực, phát huy nội lực, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng trung – dài hạn, phát triển bền vững, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 và các Nghị quyết khác của Quốc hội.

- Bổ sung thêm luận cứ khoa học và thực tiễn cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong công tác thẩm tra việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm 2021 – 2025; đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Bổ sung thêm nguồn thông tin đầu vào cho đại biểu Quốc hội để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV (tháng 10/2023).

- Tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, củng cố niềm tin thị trường, nhà đầu tư, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện các Kết luận, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

2. YÊU CẦU

- Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

- Nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với mục đích tổ chức Diễn đàn nhằm phát huy tối đa hiệu quả để Diễn đàn thực sự là nơi trao đổi, thảo luận chất lượng giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội trong và ngoài nước, qua đó cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong công tác tham mưu chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

- Chủ động, khoa học, xác định rõ vai trò, trách nhiệm và yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan triển khai Đề án, tổ chức Diễn đàn.

- Đa dạng hóa các phương tiện truyền thông, bảo đảm truyền tải thông điệp và thông tin kịp thời, hiệu quả về Diễn đàn và các sự kiện trước, trong và sau Diễn đàn đến với người dân, doanh nghiệp và cử tri cả nước.

- Huy động và sử dụng nguồn kinh phí bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả và minh bạch.

 

3. NỘI DUNG CHÍNH CỦA DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2023

- Làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

- Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 09 tháng đầu năm 2023 và dự báo cả năm 2023. Nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào – đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính – tiền tệ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.

- Rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 và một số nghị quyết liên quan khác…v.v; trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.

- Đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong nguyên tắc, phương thức, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.