A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển xuất khẩu bền vững để tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế

Kinh tế toàn cầu trong những năm tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường với rủi ro tiềm ẩn từ các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, dịch bệnh, chu kỳ khủng hoảng kinh tế, gây ra những hệ luỵ về đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, áp lực lạm phát,…Trong bối cảnh đó, xuất khẩu hàng hoá, một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế thời gian qua, cần có những định hướng chính sách, giải pháp căn cơ mang tính chiến lược nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

Tóm tắt bài viết:

Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên đổi mới và sáng tạo, khai thác những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế toàn cầu trong những năm tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường với rủi ro tiềm ẩn từ các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, dịch bệnh, chu kỳ khủng hoảng kinh tế, gây ra những hệ luỵ về đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, áp lực lạm phát,…Trong bối cảnh đó, xuất khẩu hàng hoá, một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế thời gian qua, cần có những định hướng chính sách, giải pháp căn cơ mang tính chiến lược nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

 

Nội dung bài viết:

I. Đánh giả kết quả xuất khẩu hàng hoá thời gian qua

1. Thực trạng xuất khẩu hàng hoá giai đoạn 2018-2022

1.1. Về quy mô tăng trưởng xuất khẩu

Trong 5 năm gần đây, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng từ 215,1 tỷ USD năm 2017 lên 371,7 tỷ USD năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,6%/năm thời kỳ 2018-2022.

Năm

Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD)

Tăng trưởng xuất khẩu (%)

Tăng trưởng GDP (%)

Xuất khẩu bình quân/người (USD/người)

2018

243.697

13,3

7,08

2.573

2019

264.267

8,4

7,02

2.739

2020

282.655

7,0

2,91

2.897

2021

336.167

18,9

2,56

3.413

2022

371.715

10,6

8,02

3.737

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh cũng đưa kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người của Việt Nam từ 2.573 USD/người năm 2018 lên 3.737 USD/người năm 2022. Tăng trưởng xuất khẩu góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán.

1.2. Về thị trường xuất khẩu

Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Kết thúc năm 2018 chỉ có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến năm 2022 có 34 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 2 thị trường đạt trên 50 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc), 6 thị trường trên 10 tỷ USD và 15 thị trường trên 5 tỷ USD.

- Xét về cơ cấu theo khu vực: Năm 2018, xuất khẩu sang châu Á chiếm 53,6% tổng kim ngạch; sang châu Mỹ chiếm 23,4%; châu Âu chiếm 17,5%; châu Phi chiếm 0,9% và châu Đại Dương là 1,8%.

Đến năm 2022, châu Á vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu nhiều nhất (chiếm 46,8%), tiếp theo là châu Mỹ (chiếm 34,1%); châu Âu (chiếm 14,8%), châu Đại Dương (chiếm 1,5%) và châu Phi (chiếm 0,9%).

Như vậy, cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có chuyển dịch theo hướng giảm tập trung vào thị trường châu Á; tăng mạnh ở thị trường châu Mỹ. Các thị trường khu vực khác có xu hướng giảm nhẹ.

- Xét về top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất:

Qua các năm, xuất khẩu có xu hướng tập trung hơn ở các thị trường xuất khẩu lớn. Năm 2018, xuất khẩu sang 10 thị trường lớn nhất đạt 165,7 tỷ USD, chiếm 68,0% tổng xuất khẩu cả nước. Năm 2022, xuất khẩu sang 10 thị trường lớn nhất đạt 268,1 tỷ USD, chiếm 72,1% tổng xuất khẩu cả nước.

10 Thị trường XK lớn nhất 2018

XK 2018

 (Triệu USD)

10 Thị trường XK lớn nhât 2022

XK 2022

 (Triệu USD)

Hoa Kỳ

47.530

Hoa Kỳ

109.437

Trung Quốc

41.367

Trung Quốc

57.936

Nhật Bản

18.833

Hàn Quốc

24.311

Hàn Quốc

18.241

Nhật Bản

24.246

Hồng Kông

7.958

Hồng Kông

10.939

Hà Lan

7.085

Hà Lan

10.433

Đức

6.873

Đức

8.969

Ấn Độ

6.543

Ấn Độ

7.961

Anh

5.779

Thái Lan

7.515

Thái Lan

5.487

Canada

6.329

4 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba. Với việc tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường sau khi thực thi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Canada trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam.

1.3. Về phát triển ngành hàng và mặt hàng xuất khẩu

- Về phát triển theo quy mô: Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 201829 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2022 tăng lên thành 36 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 94% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng nhanh tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao…cụ thể:

(i) Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản - nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng hạn chế về nguồn cung - giảm mạnh. Năm 2018, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chiếm 1,9% thì tới năm 2022 giá trị xuất khẩu nhóm hàng này chỉ còn ở mức 1,3%.

(ii) Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng có tỷ trọng giảm đều qua các năm từ 10,9% vào năm 2018 xuống ổn định ở mức 8,3% trong các năm 2021-2022.

(iii) Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, đây cũng là nhóm hàng có tỷ trọng tăng nhanh nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu, là nhân tố quyết định tạo nên bứt phá về kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến có tỷ trọng tăng từ 82,9% năm 2018 lên ổn định khoảng 86% tổng kim ngạch xuất khẩu trong các năm 2021-2022.

Nhóm hàng hoá

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Nông sản, thủy sản

10,9%

9,6%

8,9%

8,3%

8,3%

Nhiên liệu, khoáng sản

1,9%

1,7%

1,0%

1,1%

1,3%

Công nghiệp chế biến

82,9%

84,2%

85,2%

86,2%

86,0%

Để thấy rõ mức độ chuyển dịch cơ cấu nhóm hàng hóa xuất khẩu theo mức độ chế biến, bảng phân tích thống kê xuất khẩu hàng hóa theo Phân loại tiêu chuẩn thương mại quốc tế (SITC) được sử dụng, theo đó hàng hóa xuất nhập khẩu được phân loại thành các nhóm hàng thô, mới sơ chế; nhóm hàng chế biến hoặc đã tinh chế. Bảng số liệu cho thấy tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng đáng kể (từ 84,6% năm 2018 lên 87,8% năm 2022), trong đó tập trung ở nhóm hàng máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng.

Cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

1. Hàng thô hoặc mới sơ chế

15,4

14,0

12,3

11,9

12,2

2. Hàng chế biến hoặc đã tinh chế, trong đó:

84,6

86,0

87,7

88,1

87,8

Hoá chất và sản phẩm liên quan

2,5

2,6

2,5

2,9

2,7

Hàng chế biến phân loại theo nguyên liệu

11,3

11,1

11,2

13,4

11,5

Máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng

42,2

43,5

47,8

48,3

46,8

Hàng chế biến khác

28,6

28,8

26,2

23,5

26,8

3. Hàng hoá không thuộc các nhóm trên

0,005

0,005

0,006

0,01

0,006

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2022, Tổng cục Thống kê

1.4. Về cơ cấu doanh nghiệp xuất khẩu

Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu không ngừng được mở rộng và hoạt động ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn dẫn đầu và đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Năm 2018, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI (kể cả dầu thô) chiếm 71,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến năm 2022, tỷ trọng này tăng lên chiếm 74,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Khối doanh nghiệp trong nước cũng có tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn 2018-2022, tuy nhiên mức tăng thấp hơn khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đạt bình quân 9,9%/năm. Do vậy, tỷ trọng trong tổng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm từ 38,6% năm 2018 xuống 35,8% năm 2022.

2. Đánh giá kết quả xuất khẩu hàng hoá

2.1. Những mặt được

Thứ nhất là, quy mô xuất khẩu hàng hóa không ngừng được mở rộng và tăng cao, đóng góp lớn vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gia tăng vị thế và nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao (11,6%/năm giai đoạn 2018-2022), và liên tục đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2017, Việt Nam ở vị trí thứ 20 thế giới về quy mô xuất khẩu, sau 5 năm đến năm 2022 tăng 2 bậc lên thứ 18 thế giới.

Thứ hai là, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới.

Thứ ba là, hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được mở rộng về quy mô, đa dạng, phong phú về chủng loại và phát triển thêm nhiều mặt hàng mới như đồ chơi, dụng cụ thể thao và phụ tùng, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ,...  Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.

Thứ tư là, khai thác, tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất nhập khẩu. Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện khá hiệu quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 35-40%/kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các đối tác FTA. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhờ đó được mở rộng và đa dạng hóa.

Thứ năm là, cán cân thương mại có xuất siêu trong nhiều năm liên tục, qua đó hỗ trợ ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối.

2.2. Những mặt còn hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Thứ nhất, tăng trưởng xuất khẩu chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Những rủi ro đó đến từ sự mất cân đối trong cán cân thương mại với các thị trường; sự mất cân đối về thị trường xuất khẩu; sự mất cân đối về cơ cấu doanh nghiệp xuất khẩu và về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Việc xuất khẩu, xuất siêu sang một thị trường tăng nhanh có thể làm nền kinh tế dễ tổn thương trước các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc cú sốc từ bên ngoài. Chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu còn chậm, phần lớn thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn thuộc về khu vực châu Á. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu còn tập trung nhiều vào các mặt hàng chủ lực của ngành nông, lâm, thủy sản và công nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động hoặc tài nguyên. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó khăn về thị trường và giá bán. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao, còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh và hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn khiến hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài. Xuất khẩu dễ gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

Thứ ba, phát triển xuất khẩu chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường của sản phẩm xuất khẩu hay quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đứng trước rủi ro không được chấp nhận thâm nhập vào thị trường nước ngoài do chưa đáp ứng các quy định trong quá trình khai thác, đánh bắt, chế biến, sản xuất.

Thứ tư, xuất khẩu tăng trưởng nhanh góp phần phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và nâng cao mức sống của người dân. Tuy vậy, cơ hội tham gia vào hoạt động xuất khẩu và việc thụ hưởng thành quả từ tăng trưởng xuất khẩu còn chưa đồng đều giữa các khu vực doanh nghiệp, giữa các địa phương, giữa người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

2.3. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan

- Tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với nhiều bất ổn cả về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh bùng phát trên thế giới. Chủ nghĩa dân tuý, bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng. Trong những năm qua, thương mại toàn cầu nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng chịu tác động mạnh bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch Covid-19, cuộc chiến tại Ukraine hay tình trạng lạm phát cao, sụt giảm tổng cầu thế giới từ cuối năm 2022 đến nay. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và độ mở của nền kinh tế lớn, những biến cố lớn xuất hiện dồn dập trên thế giới đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động phát triển xuất khẩu hàng hoá.

- Nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi, mặc dù có sự tăng trưởng nhanh thời gian qua nhưng nhìn chung trình độ phát triển còn chưa cao.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Phát triển xuất khẩu thời gian qua còn chú trọng vào tăng trưởng xuất khẩu theo quy mô, nhất là các mục tiêu hàng năm, trong khi chưa chú trọng đúng mức đến sự phát triển bền vững trong trung và dài hạn và chất lượng tăng trưởng xuất khẩu gắn với các vấn đề môi trường, xã hội.

- Các nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt về mặt lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về mặt chất, trong đó có nguồn lực tài chính, vật tư kỹ thuật, khoa học - công nghệ, nguồn lực thông tin đến nguồn lực quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực.

- Quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp mới thực hiện và có kết quả bước đầu. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp. Việc tổ chức lại sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu vẫn còn thiếu đồng bộ; sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình.

- Hệ thống dịch vụ logistics hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển xuất nhập khẩu. Kết cấu hạ tầng giao thông, năng lực vận tải và bốc xếp, thủ tục hành chính làm cho thời gian thông quan bị kéo dài, chi phí tăng cao.

- Doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, marketing quốc tế còn hạn chế.

II. Bối cảnh thúc đẩy định hướng phát triển xuất khẩu bền vững

- Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)..., tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục trong trung hạn đến năm 2025 nhưng tốc độ sẽ rất chậm và quay lại đà tăng trưởng trong dài hạn đến năm 2030.

- Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, trở thành mục tiêu phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận riêng và có kế hoạch hành động riêng để thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, Chẳng hạn, tại EU, Từ ngày 01/10/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao - bắt đầu thực hiện giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn thực hiện đầy đủ CBAM dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2026.

- Xu hướng tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các Hiệp định FTA thế hệ mới, trong đó tiến trình khu vực hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng và sẽ dần thay thế tiến trình toàn cầu hóa. Xu hướng tăng cường liên kết sản xuất, phát triển mạng lưới sản xuất, phân phối và các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu tiếp tục mạnh lên trong thời gian tới

- Trong thời gian gần đây, làn sóng bảo hộ thương mại trỗi dậy khá mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn hậu đại dịch Covid-19, lạm phát cao, tổng cầu suy giảm. Ngày càng nhiều nước quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thay thế hàng nhập khẩu, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Các rào cản mới có xu hướng “rào cản xanh” nhằm thay đổi nhận thức của công chúng và trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn cho người tiêu dùng,... Rào cản xanh được xây dựng dựa trên những cơ sở khoa học hợp lý, khách quan, tuân thủ theo các quy định quốc tế, nhưng một số những rào cản ẩn trong đó có thể có tác động bảo hộ thương mại, hạn chế nhập khẩu,...

- Xu hướng gia tăng cạnh tranh chiến lược, tranh giành tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt.

- Xu hướng phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế là một xu thế tất yếu của thời đại. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ra đời của hàng loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học, nổi lên với những đột phá công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D và công nghệ nano, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp của mỗi quốc gia.

III. Quan điểm, định hướng phát triển xuất khẩu bền vững

1. Quan điểm phát triển xuất khẩu bền vững

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 đã xác định các quan điểm phát triển xuất nhập khẩu bền vững bao gồm:

- Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam xuất khẩu.

- Phát triển xuất nhập khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Định hướng phát triển xuất khẩu bền vững

- Phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Định hướng phát triển xuất khẩu các nhóm hàng:

(i) Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài.

(ii) Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo: gia tăng giá trị trong nước trong hàng hóa xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao; nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

(iii) Không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

- Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu: đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn; đồng thời đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh…, hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.

IV. Các nhóm giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững để tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế

1. Các nhóm giải pháp trước mắt

Trong bối cảnh tổng cầu suy giảm từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu. Trong các tháng gần đây, xuất khẩu đã có sự phục hồi nhẹ, tháng sau cao hơn tháng trước. Mặc dù vậy, bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các giải pháp đã được thực hiện hiệu quả cần tiếp tục được thực thi, có thể kể đến:

- Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hoãn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hoàn thuế.

- Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực xuất nhập khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất xuất khẩu.

- Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu mới, còn tiềm năng; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại đã ký kết; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại.

- Đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng của Việt Nam; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới.

2. Các nhóm giải pháp trong trung và dài hạn

Trong trung và dài hạn, các nhóm giải pháp để phát triển xuất khẩu bền vững đã được nêu cụ thể tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, ban hành theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022, bao gồm:

(i) Phát triển sản xuất (bao gồm sản xuất công nghiệp và nông nghiệp), tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu.

- Bên cạnh việc triển khai hiệu quả Kế hoạch tái cơ cấu các ngành sản xuất, cần đầu tư nghiên cứu áp dụng các quy trình và phương pháp sản xuất thân thiện môi trường, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm và tận dụng nguyên vật liệu, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư.

- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

- Tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ chức của nông dân (Tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

- Phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

(ii) Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn

Đây là nhóm giải pháp đã và đang triển khai tích cực, có kết quả trong thời gian qua. Điểm mới là cần tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đồng thời nghiên cứu, xem xét việc xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn cung, hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa và hợp lý hóa cán cân thương mại với các đối tác.

(iii) Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng

- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

- Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ xanh, bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu.

(iv) Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics.

- Trong các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, chất lượng nguồn nhân lực cần được quan tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Theo đó, nhân lực các ngành, nghề sản xuất hàng xuất khẩu cần xây dựng chuẩn đầu ra theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn các nước phát triển trên thế giới; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá và tạo việc làm.

- Xây dựng năng lực của các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, phòng thí nghiệm quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu.

- Ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển các hoạt động logistics thông minh, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hoàn thiện hạ tầng thương mại biên giới, hệ thống kho bãi, logistics, cửa khẩu, kết nối tuyến đường vận tải hàng hóa,...

(v) Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý.

Nhằm giúp cán cân thương mại hàng hoá đối với một số đối tác ở mức hợp lý, cần xúc tiến nhập khẩu từ một số đối tác trọng điểm, thay vì chỉ theo hướng quản lý và kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu như trong các giai đoạn trước.

(vi) Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

- Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển xuất khẩu, do đó cần nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập huấn, đào tạo, tuyên truyền để nâng cao năng lực cho các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp về cam kết ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, kỹ năng xúc tiến thương mại, marketing quốc tế, xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

- Tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

 

 

KẾT LUẬN

 

Phát triển xuất khẩu hàng hóa bền vững có vai trò rất quan trọng đối với phát triển bền vững nền kinh tế và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế, chính trị thế giới diễn ra nhanh, mạnh và đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững để tăng sức chống chịu, thích ứng của nền kinh tế càng cấp thiết.

Phát triển xuất khẩu hàng hoá bền vững cần quan tâm toàn bộ chuỗi sản xuất từ khâu sản xuất, khâu tổ chức xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng cần sự quan tâm, triển khai của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Các lợi thế tiềm tàng của nền kinh tế như vị thế địa - chiến lược, sự ổn định chính trị - xã hội và các tiềm năng phát triển khác về tài nguyên thiên nhiên, lao động là những điểm mạnh rõ ràng của nước ta. Với vị thế, uy tín đất nước ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế, Việt Nam có cơ hội thành điểm đến an toàn của các dòng đầu tư, thương mại quốc tế, nhất là thu hút các dự án đầu tư từ các nước công nghiệp phát triển, trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, để phát huy những lợi thế đó, xuất khẩu hàng hoá của nước ta cần gắn với phát triển sản xuất bền vững, sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Khi đó, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam mới vượt qua được các rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu và hình ảnh, uy tín của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam./.